Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, bà Kamala Harris, có kế hoạch kiểm soát giá đối với ngành thực phẩm để giải quyết tình trạng lạm phát đang diễn ra dai dẳng.
Bằng cách ban hành sắc lệnh của chính phủ để buộc những người trồng trọt, sản xuất và bán lẻ thực phẩm phải áp mức giá thực phẩm thấp hơn, bà Harris hy vọng sẽ giúp giảm chi phí sinh hoạt cho cử tri.
Theo quan điểm của bà, giá cả lên quá cao không phải vì sự thất bại của thị trường hay những tác động bên ngoài mà là vì lòng tham của doanh nghiệp. Bà cho rằng ngành thực phẩm chính là thủ phạm trong việc tăng giá trắng trợn.
Ai mới là người gây ra lạm phát?
Một điều trớ trêu là kể từ năm 2008, chính việc chi tiêu vô tội vạ của các chính quyền thiếu trách nhiệm đã gây ra lạm phát phi mã ở Mỹ do nợ công tăng vọt (hiện ở mức 35 nghìn tỷ đô la), việc in thêm tiền mặt để trang trải nợ, thâm hụt ngân sách tăng (hiện ở mức 2-3 nghìn tỷ đô la hàng năm), và giảm mạnh thuế.
Lạm phát tăng vọt khi chính phủ vung tay bơm 5 nghìn tỷ đô la để kích thích nền kinh tế hậu COVID và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Người dân thấy rằng họ có nhiều tiền hơn nhưng sức mua lại giảm. Để ứng phó, ngành công nghiệp thực phẩm đã cắt giảm các sản phẩm mà họ không thể bán được, dẫn đến hậu quả là lượng mặt hàng ít hơn khiến giá cả tăng cao. Khó khăn kinh tế gia tăng đối với tất cả mọi người trừ những người rất giàu. Và nền kinh tế, vốn dựa vào sự cân bằng giữa cung và cầu, trở nên bất ổn, khó lường và hỗn loạn.
Mặc dù việc kiểm soát giá thực phẩm trong ngắn hạn có thể giúp giảm chi phí sinh hoạt trong một số trường hợp, nhưng về lâu dài, nền kinh tế sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy những nỗ lực kiểm soát giá đều có kết cục thảm bại.
Bài học từ chính sách Kiểm soát giá xăng dầu của Tổng thống Nixon
Vào những năm 1970, Tổng thống Richard Nixon ra chính sách hạ giá xăng. Hậu quả tức thời là gây ra tình trạng thiếu hụt, phải phân phối, khiến người dân tích trữ và kéo theo những hàng dài người tiêu dùng xếp hàng tại các trạm xăng trong sự tức giận. Chợ đen bắt đầu phát triển mạnh với mức giá còn cao hơn so với trước khi có chính sách kiểm soát.
Để đối phó với tình trạng mức giá xuống thấp do can thiệp, các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng, sa thải nhân công và giảm chất lượng sản phẩm. Nhiều nhà sản xuất đã phá sản. Một số khác thì cố gắng xoay sở bằng cách thông đồng với các đối thủ cạnh tranh để tăng giá. Một số khác nữa thì cải tiến mẫu mã các sản phẩm cũ hoặc áp dụng chiết khấu sản phẩm để tránh bị kiểm soát. Các nhà sản xuất có thế lực và có mối quan hệ chính trị thì vận động các chính trị gia để được miễn khỏi diện kiểm soát giá. Tham nhũng tràn lan.
Do các biện pháp kiểm soát giá gây căng thẳng cho nền kinh tế, nên đã khiến giá cổ phiếu giảm và giá trị của các tập đoàn giảm làm ảnh hưởng xấu đến các nhà đầu tư. Cùng với đó là sự suy giảm các hoạt động nghiên cứu và đổi mới, các đối thủ cạnh tranh mới không hoạt động theo quy tắc đạo đức có cơ hội thâm nhập vào các thị trường mà trước đó họ không có cửa đặt chân vào khiến tinh thần doanh nhân khởi nghiệp bị kìm hãm, tình trạng nghèo đói trở nên tồi tệ hơn, chính quyền phải gồng mình trước các gánh nặng tài khoá lớn và những nhân sự tài năng di cư sang các lĩnh vực khác.
Sau một thập kỷ, khi chính quyền Nixon dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát giá, lạm phát tái bùng phát, gây ra những vấn đề kinh tế tương tự. Ngành năng lượng của Hoa Kỳ đã bị hủy hoại trong nhiều thập kỷ sau đó. Nhà Kinh tế học, Milton Friedman có câu nói nổi tiếng "Không có gì lâu dài bằng một chương trình tạm thời của chính phủ".
Chính phủ khó có thể làm tốt được việc kiểm soát giá
Về mức giá thực phẩm dưới thời chính quyền Biden-Harris, nhiều nhà kinh tế phủ nhận tuyên bố cho rằng người trồng trọt, nhà sản xuất và người bán hàng tạp hóa đang "chém giá". Trong vài năm qua, các cửa hàng thực phẩm chỉ thu được 1-2% lợi nhuận, mức độ này là hợp lý. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để đo lường giá tiêu dùng, theo dõi chính xác thông qua Chỉ số giá sản xuất (PPI), cho thấy rằng các nhà sản xuất không đẩy mức giá lên quá cao cho người tiêu dùng. Điều quan trọng nhất là ngành công nghiệp thực phẩm đã đưa ra báo cáo rằng họ đang bắt đầu từng bước giảm giá chứ không tăng giá sản phẩm.
Người tiêu dùng hoàn toàn có lý khi cảm thấy giá thực phẩm hiện giờ đang quá cao, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ngành công nghiệp thực phẩm đang "chém giá".
Ngoài lạm phát do chi tiêu của chính phủ, chính sách của bà Harris không tính đến một thực tế là chi phí đầu vào và giá sản phẩm của người trồng trọt, nhà sản xuất và các cửa hàng thực phẩm có một phần được định hình bởi tình hình toàn cầu. Biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột vũ trang, độc quyền, nguồn cung năng lượng không ổn định, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, cùng với biến động tiền tệ ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch, chi phí và giá cả. Các biện pháp kiểm soát có thể gây bất lợi cho nước Mỹ trong cạnh tranh toàn cầu.
Một vấn đề quan trọng trong cuộc tranh luận về kiểm soát giá là liệu chính phủ có thể thực hiện được việc này một cách hiệu quả, đảm bảo hiệu suất và công bằng hay không. Liệu các viên chức có thể quyết định mức giá cho một hộp sữa bán ra trong cửa hàng tạp hoá hay không? Nhiều khả năng là họ không thể.
Ít nhất, chính phủ sẽ phải chi ngân sách cho một đội nhân sự chuyên trách việc giám sát, kiểm tra và xử phạt tất cả những người trồng trọt, nhà sản xuất và người bán hàng tại cửa hàng thực phẩm đã vi phạm. Có thể thấy trước được đây là một nhiệm vụ vô cùng khó. Nhiều khả năng, chi phí can thiệp của chính phủ sẽ vượt quá lợi ích thu về. Kế hoạch của bà Harris cho phép các viên chức thực thi kiểm soát giá theo bất kỳ cách nào họ muốn. Chính phủ có thể yêu cầu các ngành công nghiệp tiết lộ thông tin bí mật, độc quyền về hoạt động của họ, gây bất lợi cho doanh nghiệp. Hậu quả nhãn tiền của chính sách kiểm soát giá chính là sự ra đời của những quy định quá mức tốn kém.
Chính sách Kiểm soát giá - có thể chỉ là sự đánh lạc hướng
Các nhà phê bình đang đặt câu hỏi tại sao nên thực hiện kiểm soát giá ngay lúc này thay vì lúc lạm phát cao điểm trong thời kỳ COVID dưới thời chính quyền Donald Trump (2016-2020) và thời kỳ đầu của chính quyền Biden-Harris (2021-2024). Rốt cuộc, việc tăng giá quá mức là bất hợp pháp thì tại sao các doanh nghiệp không bị truy tố? Chính phủ có lơ là trong nhiệm vụ thực thi pháp luật của mình không? Một số người cho rằng đề xuất này mang động cơ chính trị: Việc kiểm soát giá sẽ chuyển hướng chú ý của người tiêu dùng khỏi chính phủ và đẩy sự tức giận của người dân hướng sang các doanh nghiệp.
Thay vì kiểm soát giá vì những mục tiêu khiến người dân có nhiều thắc mắc, chính phủ nên ứng phó với lạm phát theo cách thông thường.
Các ngân hàng quốc gia nên kiểm soát chi tiêu quá mức bằng các công cụ chính sách tiền tệ - như thiết lập mức lãi suất cao hơn. Chính phủ nên quay lại cân bằng ngân sách và ngừng chi tiêu thâm hụt. Chính phủ nên mở rộng mạng lưới an sinh xã hội cho những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lạm phát. Chính phủ nên ưu tiên khuyến khích cạnh tranh.
Tóm lại, cả những người Dân chủ và Cộng hoà, những người tiến bộ và bảo thủ, và hầu hết các nhà kinh tế học có uy tín đều chỉ trích gay gắt đề xuất kiểm soát giá của bà Harris và yêu cầu giải quyết tình trạng tăng giá bất hợp lý. Nói theo cách so sánh của Nhà kinh tế học Harold Dempsey thì kiểm soát giá giống như "ứng phó với thời tiết lạnh giá ở Hà Nội bằng cách đập vỡ chiếc nhiệt kế".Không có tình trạng "chém giá" và kiểm soát giá là không cần thiết và không hiệu quả.
Các nhà quan sát có kiến thức chuyên môn tin rằng đề xuất kiểm soát giá không mang ý nghĩa thực chất và chỉ nhằm mục đích dễ dàng giành được phiếu bầu từ những cử tri cả tin, thiếu hiểu biết.
Chính sách này sẽ không bao giờ có khả năng được ban hành hoặc thực thi bất kể người thắng cuộc trong cuộc bầu cử năm 2024 là ai đi chăng nữa.
Tiến sỹ Terry F. Buss - Chuyển ngữ: Đào Thuý
Bình luận tiêu biểu (0)