Từ "130" đến "130M"
Kể từ năm 2009 đến 2023, gần 130 chiếc Yakovlev Yak-130 đã được sản xuất và bàn giao cho các lực lượng vũ trang Nga. Gần 80 chiếc khác đã và đang được xuất khẩu tới một loạt các quốc gia bao gồm Algeria, Lào, Iran, Bangladesh, Belarus, Myanmar và Việt Nam.
Chiếc máy bay huấn luyện kiêm tấn công mặt đất này được phát triển từ nhu cầu thay thế L-39 (do Tiệp Khắc cũ sản xuất) và với hai chỗ ngồi, phi công có thể được huấn luyện cặn kẽ các thao tác điển hình của tiêm kích thế hệ 4 và 5.
Điều thú vị là Yak-130 có 1 "người anh em" ở Italia và nó có tên là M-346.
Lý do là vì các đối tác người Ý đã rời dự án phát triển loại máy bay huấn luyện này ở giai đoạn cuối cùng của quá trình phát triển và dựa trên tài liệu kỹ thuật có sẵn, họ đã tạo ra biến thể của riêng họ.
Một đặc điểm quan trọng của Yak-130 là nó tiệm cận một máy bay chiến đấu thực sự do có thể mang phóng một loạt vũ khí. Có thể nói khi được trang bị đầy đủ, "em bé" này trông khá "hầm hố" và sẵn sàng đóng vai trò như một cường kích hạng nhẹ.
Bằng chứng về lần đầu tiên Yak-130 thực sự tham chiến là video được ghi hình ở Myanmar vào năm 2020 cho thấy các phi vụ khai hỏa rocket vào mục tiêu phiến quân.
Nhưng do thiếu radar hiện đại, các cuộc tao ngộ chiến giữa Yak-130 với các đối thủ như tiêm kích đánh chặn, tiêm kích chiếm ưu thế trên không hay trực thăng vũ trang nhiều khả năng sẽ dẫn đến một thảm họa.
Có vẻ như khuyết điểm nói trên đã được khắc phục trên biến thể hiện đại hóa Yak-130M vừa được Nga "trình làng" tại triển lãm Army-2024.
Cụ thể mục tiêu chính của quá trình hiện đại hóa bao gồm mở rộng các tính năng của Yak-130 theo hướng tăng khả năng chiến đấu bao gồm bổ sung radar, các module quan sát - ngắm bắn cũng như phòng thủ.
Được biết bên cạnh sản xuất mới, Yak-130M cũng là một tùy chọn nâng cấp dành cho Yak-130 hiện có của các khách hàng tiềm năng. Như vậy là chiếc máy bay huấn luyện xuất sắc đã trở thành một thứ gì đó mới.
Việc hiện đại hóa quan trọng nhất nằm ở phần mũi của Yak-130M. Bằng cách kéo dài và mở rộng phần này, người Nga đã có thể đưa vào nó radar AESA BRLS-130R với tầm hoạt động có thể lên tới 100 km.
AESA (Active Electronically Scanned Array) là radar quét mảng pha điện tử chủ động.
Loại radar này có khả năng phát/thu các sóng vô tuyến không hoạt động ở một tần số cố định nên rất khó bị phát hiện - một trong những tính năng quan trọng để trang bị trên máy bay tàng hình.
Radar AESA cũng có độ chính xác rất cao trong phát hiện và bám bắt mục tiêu, có khả năng phát hiện được mục tiêu có diện tích phản hồi radar (RCS) rất nhỏ, có khả năng phát hiện và theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu.
Ngoài việc khó bị gây nhiễu, radar AESA cũng có thể trở thành một nguồn EW (tác chiến điện tử) làm quá tải các hệ thống trinh sát điện từ của đối phương. Radar AESA được nhận định là một chuẩn mực cho máy bay chiến đấu hiện đại.
Theo UAC (Tập Đoàn Sản Xuất Máy Bay Thống Nhất) của Nga, Yak-130M được radar BRLS-130R, module quan sát nhiệt - laser - quang học SOLT-130K, tổ hợp phòng vệ President-S130 và tổ hợp thông tin liên lạc KSS-130.
Với một máy bay huấn luyện, việc bổ sung Radar AESA rõ ràng là nâng cấp tuyệt vời, nhưng đó chưa phải là tất cả.
Module quan sát nhiệt - laser - quang học SOLT-130K giúp tăng cường khả năng đánh chặn các mục tiêu bay thấp như máy bay không người lái (UAV/Drone) của Yak-130M, thậm chỉ cả những mục tiêu từng "vô hình" trước radar vì được làm từ gỗ dán, bìa cứng và nhựa.
Tổ hợp phòng vệ President-S có khả năng đánh chặn MANPADS (tên lửa phòng không vác vai) của đối phương.
Với khả năng mang theo 3 tấn vũ khí bao gồm tên lửa không đối không, rocket cũng như các loại bom liệng (4 UPAB-250 hoặc 2-3 UPAB-500), Yak-130M có thể ra những đòn mạnh mẽ vào mục tiêu trên không lẫn trên mặt đất.
Ukraine thì sao?
Câu hỏi là cỗ máy có cánh này có thể đóng vai trò gì trong Chiến dịch quân sự đặc biệt (SMO) của Nga ở Ukraine?
Mặc dù các nhà sản xuất Yak-130M đã phát triển và định vị nó như một cường kích hạng nhẹ đáng gờm nhưng vẫn có một vấn đề khi đưa nó tới SMO.
Đó là việc chiếc máy bay buồng lái không bọc thép hoạt động ở nơi đầy rẫy các tổ hợp phòng không hiện đại là không hợp lý. Và có vẻ như nơi phù hợp nhất cho Yak-130 là ở hậu phương và ở vai trò phòng không.
Video từ buồng lái miêu tả một phi vụ bay thấp của Yak-130 trong Không quân Belarus được thực hiện vào mùa hè năm 2024.
Vào năm thứ 3 của SMO, các cuộc tập kích sâu sử dụng UAV cảm tử của đối phương đang gây ra những thiệt hại đáng kể với cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự của Nga.
Ngay từ những đợt tập kích đầu tiên của UAV đối phương vào Moscow, một hệ thống phòng không chống UAV đã được tạo ra để bảo vệ thủ đô Nga mà trong đó trực thăng vũ trang đóng vai trò chính.
Giải pháp này khá khả thi, nhưng số lượng trực thăng vũ trang và phi hành đoàn được huấn luyện cho chúng còn hạn chế, ngược lại phạm vi của các cuộc tấn công bằng UAV đang không ngừng mở rộng.
Yak-130M với radar AESA có thể là loại máy bay tối ưu nhất để tổ chức phòng không theo lớp chống lại UAV cảm tử.
Và do không bắt buộc phải thực hiện các động tác nhào lộn trên không để đánh chặn UAV nên ngay cả các học viên bay cũng có thể ngồi sau cần điều khiển để có thể tích lũy kinh nghiệm thực chiến.
Yak-130M cũng có thể hữu ích trong việc săn lùng các tàu không người lái cảm tử ở Biển Đen cũng như tuần tra biên giới.
Và nếu thực sự Yak-130M phải hoạt động ở tuyến đầu, hãy xem xét sử dụng nó theo cách khác.
Đó là thay vì vô hiệu hóa mục tiêu khi đang bay ở độ cao thấp, trong tầm bắn của phòng không đối phương thì Yak-130M có thể khai hỏa từ xa các UAV phản lực như "Grom" và "Molniya" hoặc nếu cần, hãy "thương thuyết" bằng những trái bom nhiệt áp 250 và 500 kg.
Trong phần bình luận về bài viết của ông Sergey Marzhetsky, độc giả Nga "prior" đã nhận xét như sau:
"Tác giả có vẻ quá lạc quan. Chúng ta (Nga) đang có một chiếc máy bay, nhưng không ai biết cách dùng nó, ngoại trừ để huấn luyện".
Một phi vụ ném bom nhiệt áp UPAB-500 của Nga nhằm vào ổ đề kháng đối phương ở Sumy, Ukraine vào mùa xuân năm 2024 (Nguồn: BQP Nga).
Bình luận tiêu biểu (0)