Liên quan đến vấn đề này, ngày 25/11, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết, thành phố đánh giá cấp độ dịch theo từng tuần, từng nơi. Ông cho rằng, dịch Covid-19 tại Hà Nội chắc chắn còn phức tạp hơn rất nhiều.
“Khi thành phố thực hiện nới lỏng, mở cửa thì phải chấp nhận số ca mắc Covid-19 có thể tăng. Việc này cũng đã nằm trong dự đoán của thành phố. Tuy nhiên, ca mắc tăng chúng ta phải chấp nhận. Hiện có nhiều ca trong cộng đồng trong khi đi lại tăng ca nhiễm chắc chắn còn phức tạp hơn nữa, nới lỏng phải chấp nhận.
Từ nay đến cuối năm chắc chắn dịch Covid-19 tại Hà Nội sẽ còn phức tạp hơn chứ không phải như bây giờ”, ông Tuấn đánh giá.
Trong 3 ngày liên tiếp (22-24/11), số ca Covid-19 ở nước ta đều vượt ngưỡng 10.000 người. Để sống chung an toàn với virus, các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine Covid-19. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nguy cơ cao tại các tỉnh, thành phố chưa được phủ đủ 2 mũi, từ đó dẫn đến diễn biến nặng và phải nhập viện.
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Hà Nội đã tiêm tổng cộng 11.738.121 mũi vaccine, đạt tỷ lệ người dân trên 18 sống trên địa bàn được tiêm một liều là 101,42%, mũi 2 là 87,9%.
Vừa qua, thành phố cũng đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 15-17 tuổi tại 29 quận/huyện/thị xã. Tổng số mũi tiêm Hà Nội thực hiện được đến nay là 142.038, trong đó, 141.078 liều đã được sử dụng.
Theo thống kê từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), tổng cộng 428 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đang được điều trị tại đây. Trong đó, 76 bệnh nhân đang có diễn biến nặng và nguy kịch. Cụ thể, 45 trường hợp phải thở oxy, 31 người phải thở máy, 4 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 3 F0 được can thiệp ECMO và 13 ca lọc máu liên tục.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nếu thời gian tới, cơ sở y tế này tiếp tục nhận thêm bệnh nhân từ các địa phương lân cận, số F0 diễn biến nặng và nguy kịch có thể sẽ vượt mức 100 ca sau khoảng 2 tuần.
“Gần đây, mỗi ngày chúng tôi lại tiếp nhận khoảng 10 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có diễn biến nặng. Đến nay, với mức điều trị của khoa Hồi sức tích cực, con số này đã tương đương với thời điểm dịch căng thẳng nhất của làn sóng thứ 4 hồi tháng 5”, bác sĩ Phúc cho hay.
Cũng rơi vào tình trạng tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đang điều trị cho khoảng 150 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 11 ca diễn biến nặng, nguy kịch.
Tại Bệnh viện điều trị Covid-19 của Đại học Y Hà Nội, số lượng F0 đang điều trị cũng lên tới 134 trường hợp, khoảng 6 ca diễn biến nặng.
Nhắc lại về thời điểm bùng phát dịch hồi tháng 5, bác sĩ Phạm Văn Phúc cho rằng số F0 diễn biến nặng phải nhập viện khi đó đã là mức tối đa và không tăng thêm.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với cách chống dịch mới, Việt Nam không còn giữ mục tiêu “Zero Covid-19”, số người mắc diễn biến nặng, phải tới điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn đang có chiều hướng tăng.
“Nguyên nhân có thể là ngoài cộng đồng, virus vẫn đang lây lan, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng và trong đó có một tỷ lệ nhất định người diễn biến nặng. Trong khi đó, nhiều người vẫn chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine”, bác sĩ Phúc nhận định.
Theo Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại đây chủ yếu là người chưa tiêm vaccine hoặc mới tiêm một mũi từ các địa phương khác chuyển đến. Đây cũng là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch của họ kém hơn, dẫn đến diễn biến nặng.
Theo ông Tuấn, việc kiểm soát các ổ dịch, ca nhiễm Covid-19 và tiêm vaccine vẫn đang được Hà Nội đẩy mạnh. Hiện thành phố đã được cấp đủ vaccine để tiêm phủ cho khoảng 80% dân số Hà Nội đủ 2 mũi. Điều quan trọng đó là đang chờ những người đủ thời gian để tiêm phủ mũi 2. Khi đủ mũi tiêm sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng, hạn chế được số ca mắc.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, việc phát sinh ca nhiễm Covid-19 như hiện nay vẫn đang nằm trong dự đoán của Hà Nội. Ông Phu nhận định chắc chắn trong ít ngày tới số ca nhiễm Covid-19 có thể sẽ tăng lên.
"Thành phố làm sao phải khống chế đừng để tăng cao quá, bên cạnh đó theo dõi ca mắc chuyển biến nặng. Khi thực hiện mở cửa để các hoạt động trở lại bình thường thì chúng ta phải chấp nhận số ca mắc có thể tăng.
Bên cạnh đó, người dân nên bình tĩnh, phải chấp hành thông điệp 5K, đảm bảo phương án lao động sản xuất an toàn đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm phủ vaccine, tăng cường kiểm tra giám sát ngăn chặn dịch bệnh”, ông Phu nói.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)
Bình luận tiêu biểu (0)