Ai Cập triển khai hàng chục xe tăng và xe bọc thép
Theo tờ Times of Israel, Ai Cập đã triển khai hàng chục xe tăng chiến đấu chủ lực và xe bọc thép gần Rafah - cửa khẩu nằm ở khu vực biên giới giữa dải Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập.
Việc triển khai các phương tiện quân sự hạng nặng này là do Ai Cập lo ngại làn sóng người tị nạn từ Gaza có thể tràn vào Sinai. Rafah hiện là cửa khẩu biên giới duy nhất giữa Ai Cập và Dải Gaza.
Xe tăng và xe thiết giáp Ai Cập được triển khai gần cửa khẩu Rafah ngày 31/10. Ảnh: AFP
Trước đó, theo hãng tin AP, Bộ Tình báo của Israel được cho là đã soạn thảo đề xuất thời chiến nhằm chuyển toàn bộ 2,3 triệu người ở Dải Gaza đến bán đảo Sinai của Ai Cập.
Sau khi tài liệu bị rò rỉ, Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tìm cách giảm nhẹ mức độ khi nói rằng tài liệu này chỉ mang tính giả định.
Tuy nhiên, kết luận nêu ra trong tài liệu đã xoáy sâu thêm nỗi lo sợ lâu nay của người Ai Cập rằng Israel muốn biến Gaza thành vấn đề của Ai Cập.
Ngay sau khi thông tin về tài liệu của Israel bùng nổ, Thủ tướng Ai Cập Mustafa Madbouli đã tới thăm bán đảo Sinai trong ngày 31/10.
Tại đây, ông Madbouli tuyên bố Ai Cập "sẵn sàng hy sinh hàng triệu sinh mạng để bảo vệ bán đảo Sinai trước mọi hành động gây hấn" và quốc gia này "sẽ không bao giờ cho phép bất cứ điều gì áp đặt lên đó".
Ông Madbouly đồng thời nhấn mạnh rằng, các vấn đề khu vực sẽ không được giải quyết bằng cách lấy đi lợi ích quốc gia.
"Lằn ranh đỏ" của Ai Cập - "Cảnh báo đỏ" cho Israel
Bình luận trên tuần báo Al-Ahram, ông Ahmed Abaza - người đứng đầu Ủy ban các vấn đề Ả Rập của Quốc hội Ai Cập cho biết: "Chuyến thăm của ông Madbouli tới Sinai là một thông điệp gửi tới thế giới nói chung và người Israel nói riêng, rằng Sinai là một lằn ranh đỏ và Ai Cập sẽ không bao giờ cho phép người Palestine di dời đến bán đảo".
Theo tờ Israel Hayom, đã hơn 40 năm kể từ khi Ai Cập tiếp nhận lại bán đảo Sinai từ Israel, dưới sự bảo trợ của Hiệp ước hòa bình giữa hai phía. Tuy nhiên, đôi lúc nhiều người Israel vẫn cho rằng, việc trả lại Sinai là một sai lầm và sẽ khiến Israel phải trả giá đắt vào một ngày nào đó.
Trong trường hợp hai phía nổ ra xung đột, các sư đoàn quân đội Ai Cập có thể vượt kênh đào Suez vào Sinai và tấn công Israel dọc biên giới.
Ông Mohamed Rabie - chỉ huy quân đoàn dã chiến số 2 của Ai Cập cho hay, các lực lượng vũ trang Ai Cập đã "sẵn sàng cao độ để thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào được giao phó, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Ai Cập tại hướng chiến lược đông bắc".
Lực lượng Ai Cập được triển khai gần cửa khẩu Rafah. Ảnh: Reuters
Theo tổ chức tư vấn Arab Reform Initiative, kể từ khi chiến tranh Hamas-Israel nổ ra vào ngày 7/10, Ai Cập được xem là một nhân tố then chốt, với tư cách là quốc gia có vai trò lịch sử quan trọng ở Gaza, đồng thời là quốc gia Ả Rập duy nhất tiếp giáp Dải Gaza.
An ninh lãnh thổ là một trong số những yếu tố đóng vai trò quyết định phản ứng của Ai Cập trong cuộc xung đột này.
Ngay khi cuộc xung đột với Hamas bước sang ngày thứ hai, người phát ngôn của quân đội Israel đã kêu gọi người dân Gaza di dời đến Ai Cập để đảm bảo an toàn. Điều này đã làm dấy lên sự chỉ trích rộng rãi trên các kênh truyền thông chính thống và mạng xã hội của Ai Cập.
Ngày hôm sau, quân đội Israel rút lại lời kêu gọi, trong khi Đại sứ Israel tại Cairo nhanh chóng phủ nhận việc quốc gia Do Thái có ý định di dời người Palestine tới bán đảo Sinai.
Tuy nhiên, lời đảm bảo đó dường như không dập tắt được nỗi lo sợ của Cairo. Những lo ngại của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi về khả năng tái định cư người dân từ Gaza đến Ai Cập là có thật, và sẽ là yếu tố chính tác động tới các quyết định của ông liên quan tới cửa khẩu Rafah và hoạt động nhân đạo ở dải đất này.
Theo tờ The Conversation, có ít nhất hai lý do khiến Ai Cập lo sợ làn sóng người tị nạn từ Gaza tràn vào Sinai. Thứ nhất, trong làn sóng người di cư có thể bao gồm cả những cá nhân có liên kết với các nhóm cực đoan, gây bất ổn cho Sinai.
Thứ hai, những tay súng cực đoan có thể tiến hành các hoạt động khủng bố từ Sinai nhằm vào Israel, khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia rơi vào nguy hiểm.
Khả năng Ai Cập tham chiến
Trong những năm gần đây, Ai Cập là trung gian hòa giải giữa Israel-Hamas và đã tham gia vào các nỗ lực nhằm tái thiết Gaza. Sự tích cực này là do Ai Cập nằm gần Gaza và đang kiểm soát cửa khẩu Rafah - biên giới duy nhất của nước này với Dải Gaza không nằm dưới sự kiểm soát của Israel.
Trước đó, giới chuyên gia cho biết, sự tham gia của Ai Cập vào Gaza có những ranh giới nhất định không được vượt qua. Ví dụ như khó có khả năng Ai Cập can dự quân sự nhằm chống lại Israel vì lợi ích của người Palestine. Đây là chính sách xuất phát từ cam kết của Ai Cập đối với thỏa thuận hòa bình năm 1979 giữa Israel-Ai Cập.
Ông Eckart Woertz, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông GIGA có trụ sở tại Hamburg, nhận định trên đài DW: "Tôi không tin rằng Ai Cập sẽ hy sinh hiệp ước hòa bình với Israel vì Hamas ở Dải Gaza".
Theo ông Woertz, người dân Ai Cập có "sự đồng cảm lớn đối với người Palestine", nhưng "không chính phủ nào sẽ mạo hiểm tiến hành một cuộc chiến tranh vô ích vì điều đó".
Đồng tình với ý kiến trên, bà Jeannie Sowers - chủ nhiệm Khoa Khoa học Chính trị và Các vấn đề Quốc tế tại Đại học New Hampshire - cho rằng đó là một kịch bản không thể xảy ra và Ai Cập "không có sự chuẩn bị về quân sự, cũng như nền tảng kinh tế để làm như vậy" .
Tuy nhiên, tờ Al-Monitor cho rằng, Ai Cập có thể sẽ buộc phải can thiệp vào xung đột Gaza nếu chủ quyền của nước này đối với bán đảo Sinai bị đe dọa.
Ai Cập - quốc gia thành viên mới của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) - có lực lượng quân sự mạnh nhất trên lục địa châu Phi, đứng thứ 14 trên thế giới (theo xếp hạng của Global FirePower) và là một trong những lực lượng lớn nhất vùng Trung Đông.
Ngoài trang bị hiện đại, các lực lượng quân sự Ai Cập còn có nhiều kinh nghiệm chiến trường hơn đa số các quân đội khác trong vùng, khi thường xuyên tham gia vào các cuộc tập trận với Mỹ, các nước châu Âu, cũng như các đồng minh Ả Rập. Điều đó mang lại nhiều lợi thế cho nước này trong trường hợp phải sử dụng tới sức mạnh quân sự.
Tùng Chi
Bình luận tiêu biểu (0)