Tháp nước Hàng Đậu hay còn được biết đến với cái tên Bốt Hàng Đậu nằm tại phường Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội). Công trình này được người Pháp xây dựng từ năm 1894 với mục đích ban đầu để phục vụ việc cung cấp nước sạch cho binh lính và công dân của Pháp trong thời gian đô hộ tại Hà Nội.
Cùng với nhà nhà máy nước Yên Phụ, tháp được xây để phục vụ việc cung cấp nước sạch cho người dân. Nước từ nhà máy sau khi được đưa lên hai tháp để phân phối theo ống đi khắp thành phố. Tháp nước Hàng Đậu bị dừng hoạt động vào năm 1960 sau khi Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định nâng cấp Nhà máy nước Yên Phụ. Từ đó Tháp nước Hàng Đậu bị bỏ hoang một thời gian dài mặc dù ống ngầm bên dưới tháp vẫn nằm trong hệ thống ống truyền dẫn nước của thành phố.
Tháp có thiết kế giống như một pháo đài kiên cố cao ba tầng, với phần thân là hình trụ tròn và mái tôn hình chóp nón, trong đó đường kính phần thân tháp nước dài 19 m và cao 21 m. Tháp nước có dung tích là 1.250 mét khối.
Sau hàng chục năm bị đóng cửa, bỏ hoang, thậm chí từng có thời gian bị đe dọa tháo dỡ để xây dựng các công trình phúc lợi khác vì vị trí đắc địa của nó, đến nay tháp nước đã trải qua vài lần trùng tu. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên không gian bên trong tháp được mở cửa đón công chúng vào tham quan trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế, sáng tạo Hà Nội 2023.
Triển lãm Pavilion Sắp đặt nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu là một trải nghiệm không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước do kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và cộng sự thực hiện. Triển lãm Pavilion sẽ tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, đưa công chúng tới những chiều không gian tiềm thức trong bản thể. Từ đó, kết nối con người với môi trường sống.
Bên trong Tháp đã được lắp thêm đường đi bằng gỗ phục vụ du khách tới tham quan nhân dịp Lễ hội Thiết kế, sáng tạo Hà Nội 2023. Hệ sắp đặt ánh sáng của Pavilion mở rộng thị giác về những vỏ bọc đẹp đẽ, được tái chế bởi rác thải đô thị, như một cách nhấn mạnh để chúng ta thấy rõ hơn về sự tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên. Hai chiều tương phản âm thanh đưa ta về bản thể tính nguyên sơ, ánh sáng cho ta sự nhận biết mọi thứ xung quanh ta.
Triển lãm lấy cảm hứng từ lục thuỷ theo quan niệm Á Đông, lục thuỷ tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm, và nước biển. Ngày 17/11 tới đây, lần đầu tiên Tháp nước Hàng Đậu sẽ mở cửa cho du khách tới tham quan, đây là một trong những di tích lịch sử quan trọng của Thủ đô, có ý nghĩa về mặt tinh thần với nhiều thế hệ người Hà Nội.
Toàn bộ ô cửa sổ của tháp đã được lấp lại bằng gạch và gia cố bằng khung sắt để tránh việc vứt rác bừa bãi vào trong tháp.
Trước kia Tháp có cầu thang sắt dẫn lên tới phần đỉnh nhưng sau khi ngừng hoạt động đã bị cắt bỏ.
Hệ thống bậc thang đá nằm trong tòa tháp vẫn giữ được vẻ nguyên vẹn sau gần 130 năm.
Đường ống dẫn nước cùng hệ thống van điều tiết 129 năm tuổi dẫn nước lên đỉnh tháp vẫn còn nguyên vẹn.
Phía bên ngoài của tháp nước được tạo hình thẩm mỹ bắt mắt: các vòm cửa hình vòng cung, trang trí sắt uốn, các đường diềm phân tầng, các hình kỷ hà vuông tròn tiếp nối chạy vòng quanh tại tất cả 17 ô cửa sổ.
Những viên đá xanh, đá ong dùng để xây dựng Nhà máy nước Đồn Thuỷ(hay còn gọi là Đài cuối này nằm trong khuôn viên Xí Nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm) và Tháp nước Hàng Đậu(được người Pháp gọi là Đài đầu) được gỡ ra từ tường thành Hà Nội xưa, một thương nhân tên Tư Hồng đã mua lại rồi bán đi để phục vụ cho việc xây dựng.
Bình luận tiêu biểu (0)