BSCK2.Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cho biết riềng là một loại gia vị được dùng phổ biến trong nấu ăn. Riềng thường được dùng để tẩm ướp thịt, cá, tạo ra hương vị rất đặc trưng. Không chỉ được dùng làm gia vị, riềng còn là vị thuốc phổ biến thường dùng trong dân gian.
Riềng còn có tên gọi khác là Phong Khương, Cao Lương Khương, Tiểu Lương Khương. Riềng tươi có mùi hương gần giống như gừng, nhưng không cay nồng như gừng. Nếu như gừng có tác dụng cầm nôn thì riềng mạnh về tác dụng trị thống (xương khớp).
Trong gian dân, rất nhiều bộ phận của riềng được dùng làm thuốc, nhưng chủ yếu là củ riềng.
Theo y học hiện đại, riềng có khoảng 1% tinh dầu, có mùi thơm long não. Trong củ riềng có chứa natri, sắt, chất xơ, vitamin A, C và flavanoid… Những dưỡng chất này giúp cho riềng trở thành gia vị quý với đặc tính duy trì sự khỏe mạnh cho cơ thể.
Riềng được cho nhiều vào món ăn (ảnh minh hoạ).
Bác sĩ Vũ cho biết nghiên cứu cũng chỉ ra rằng riềng có chứa các hoạt chất chống viêm nên được người dân dùng nhiều để chữa các bệnh liên quan tới khớp. Loại gia vị này được ví là thuốc của khớp, giúp giảm đau tự nhiên, điều trị viêm khớp, thấp khớp, phong thấp, đau cơ bắp (sau hoạt động mạnh).
Không chỉ tốt cho khớp, riềng còn có tác dụng tiêu thực (tiêu hoá thức ăn), kích thích ăn ngon.
"Đây cũng là lý do mà riềng thường được cho vào các món ăn để ngừa tình trạng đầy hơi, rối loạn tiêu hoá. Các hoạt chất có trong riềng còn giúp giảm đau cổ họng, trị tiêu chảy, hạ cholesterol và triglyceride trong máu. Không chỉ tốt cho tiêu hoá, riềng còn có tác dụng bảo vệ dạ dày, giúp giảm cảm giác khó chịu do viêm, loét gây ra", bác sĩ Vũ nói.
Các bài thuốc từ củ riềng
Trong y học cổ truyền, riềng có vị cay, mùi thơm, tính ám vào hai kinh tì và vị, có tác dụng ôn trung, giảm đau, tiêu hóa thức ăn.
Bác sĩ Vũ cho biết để điều trị bệnh lý dạ dày, có thể dùng riềng tẩm rượu, sao vàng, tán nhỏ trộn đều, uống để chữa đau dạ dày, nhất là khi bệnh đã thành mạn tính.
- Chữa đau bụng do hàn, nôn ra nước trong, đau bụng do sa đì (ruột sa xuống): riềng, hương phụ lượng tuỳ dùng bằng nhau, tán bột mịn, thêm nước gừng, vài hạt muối trộn đều hoàn viên, mỗi lần uống 3 - 6g, ngày 2 - 3 lần với nước ấm.
- Chữa viêm loét dạ dày tá tràng: riềng 10g, ngũ linh chi 6g, tán bột mịn, trộn đều uống. Thuốc không dùng cho các trường hợp xuất huyết dạ dày.
- Chữa đau bụng ngực, đau bụng quặn do cảm lạnh: riềng 6g, hậu phác 10g, đương qui 10g, quế tâm 4g, sinh khương 10g, sắc nước uống.
- Chữa nôn ói do vị hàn (lạnh): riềng 10g sao qua, tán bột mịn, uống với nước ấm. Hoặc dùng riềng 8g, đại táo 1 quả sắc với 300ml nước chia uống trong ngày.
Lưu ý khi dùng riềng
Bác sĩ Vũ cho biết riềng là gia vị lành tính, tuy nhiên khi dùng cũng cần lưu ý:
- Không dùng cho người có chứng nhiệt thịnh, âm hư (nóng trong);
- Riềng có thể gây dị ứng;
- Dùng riềng có thể gây kích thích dịch vị dạ dày, nóng trong, do vậy cần dùng đúng liều lượng;
- Khi dùng riềng với mục đích điều trị bệnh thì cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn để biết liều lượng và lộ trình điều trị.
Bình luận tiêu biểu (0)