Lợi ích của Mỹ và Israel tại Trung Đông cả về dài hạn lẫn ngắn hạn đều đang có xu hướng phân tách, làm cản trở nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột hiện tại giữa Israel và Hamas trên Dải Gaza, nhà báo Tarini Parti nhận định trong bài viết đăng tải trên Wall Street Journal (WSJ).
Theo Parti, Israel coi Hamas là một mối đe dọa mang tính sống còn và lấy việc tiêu diệt lực lượng này làm mục tiêu chủ chốt. Về phần mình, nước Mỹ đã cam kết hỗ trợ Israel đánh bại Hamas, nhưng đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden thì mối đe dọa không chỉ dừng lại ở đó. Chính quyền ông Biden đang nỗ lực duy trì sự đoàn kết cùng các đồng minh để đối phó với Iran, Nga và Trung Quốc.
Cả hai nước đều muốn tránh một cuộc giao tranh lớn hơn trong khu vực nhưng để đạt được mục tiêu của mình, Israel sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn.
"Tạm ngừng" và "đình chiến"
Sau cuộc tấn công hôm 7/10, ông Biden đã thể hiện sự ủng hộ vững chắc dành cho Israel, nồng nhiệt với Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong chuyến thăm tới Tel Aviv, một chuyến thăm hiếm hoi ở cấp Tổng thống tới một vùng chiến trận.
Tuy nhiên, sau thời điểm đó, dưới sức ép từ một số quan điểm chỉ trích trong đảng, ông Biden đã nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc điện đàm với ông Netanyahu rằng Israel nên tiến hành chiến dịch quân sự của mình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Nước Mỹ cũng tăng cường kêu gọi tạm ngừng bắn để đưa viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza và đưa các con tin ra ngoài an toàn, mặc dù không lên tiếng hối thúc đình chiến hoàn toàn.
Trong một sự kiện gây quỹ mới đây, trước lời kêu gọi của một người tham dự: "Là một giáo sĩ, tôi cần ông kêu gọi đình chiến ngay lập tức", ông Biden đã đáp rằng:
"Tôi nghĩ chúng ta cần tạm dừng".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, ông đã bàn thảo về các vấn đề và công tác hậu cần xoay quanh cách thức thiết lập trạng thái tạm ngừng bắn với ông Netanyahu và nội các chiến tranh của Israel tại Tel Aviv hôm 3/11.
Phản ứng trước áp lực này, ông Netanyahu tuyên bố, ông phản đối thiết lập lệnh ngừng bắn tạm thời nếu không bao gồm điều kiện phóng thích các con tin Israel hiện đang bị Hamas giam giữ.
Chính quyền Mỹ cũng hối thúc Israel giảm thiểu thương vong dân thường và triển khai các cuộc "tấn công phẫu thuật" tập trung hơn nhằm vào các thủ lĩnh của Hamas. Thế nhưng, ngay cả khi thương vong gia tăng ở Gaza và cuộc khủng hoảng nhân đạo trở nên tồi tệ hơn, Israel vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn.
Thủ tướng Israel mới đây tuyên bố, ông sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự tại Dải Gaza bằng "tất cả sức lực". Ông Netanyahu cũng không cho phép đưa nhiên liệu - thứ mà các tổ chức nhân đạo và Mỹ cho là cần thiết để vận hành máy phát điện cho nhà máy nước và bệnh viện - vào Gaza.
Tương lai bất định của Dải Gaza
Về dài hạn, ông Biden đang kêu gọi một giải pháp hai nhà nước, và ông Blinken đang bàn thảo với chính quyền Israel về tương lai cho Israel và Gaza sau chiến dịch quân sự mà Israel đang tiến hành nhằm vào Hamas.
"Như tôi đã nói, lộ trình tốt nhất, và thậm chí có thể là duy nhất là thông qua hai nhà nước cho hai dân tộc", ông Blinken nói hôm 3/11.
Theo WSJ, người Israel không rõ kết thúc xung đột có ý nghĩa gì với tương lai của Dải Gaza. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết, mục tiêu là triệt tiêu năng lực quân sự và khả năng cầm quyền của Hamas nhưng Israel không muốn chiếm đóng Gaza lâu dài.
Thi Anh
Bình luận tiêu biểu (0)