"Whose Chance – Cơ hội cho ai?" mùa 5 tập 7 có sự xuất hiện của 2 ứng viên trẻ tuổi nhưng đều được các Sếp lớn đánh giá cao.
Ứng viên đầu tiên là Nguyễn Thành Đạt, 23 tuổi, đến từ Bình Dương. Đạt tốt nghiệp loại Xuất sắc chương trình tiên tiến ngành Khoa học máy tính tại ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TP. HCM. Nam ứng viên có 2 năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn về Công nghệ và Bất động sản. Đạt từng được đề cử là thành viên tham dự chương trình trại hè các quốc gia Đông Nam Á tại Thái Lan năm 2018 và chương trình trao đổi văn hóa tại Đài Loan năm 2019. Đạt lop top 45 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất tại ĐH Khoa học Tự nhiên năm 2022.
Còn ứng viên số 2 là Hoàng Hải Nam, 21 tuổi, đến từ Hà Nội. Nam đang theo học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại ĐH Thương mại. Nam là quán quân cuộc thi English Debate Contest (Hùng biện bằng tiếng Anh) tại ĐH Thương mại năm 2021. Ứng viên từng có 5 năm kinh nghiệm tham dự các hoạt động đoàn thể, tổ chức sự kiện, quản lý đội nhóm các CLB sinh viên. Nam đạt chứng chỉ Ngoại ngữ 7.0 IELTS, giao tiếp tốt bằng tiếng Trung.
Hải Nam thẳng thắn chia sẻ: "Em hiện là sinh viên năm 3, đến đây với 3 không 'không bằng cấp – không tiền tài – không địa vị'. Tuy nhiên không vì thế mà em chịu tự ti, lép vế trước đối thủ. Bởi 3 em có 3 thứ 'sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự tử tế của tâm hồn, tinh thần không ngại khó khăn'".
"Em như chiếc USB rỗng, chưa có dữ liệu"
Vòng 1 với chủ đề vô cùng hấp dẫn là cơ hội để cả 2 ứng viên cùng thảo luận: "Theo bạn, "áp lực đồng trang lứa" mang đến tác động tích cực hay tiêu cực?".
Hải Nam cho rằng, "áp lực đồng trang lứa" mang đến cả tác động tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, cuộc sống mang tính cạnh tranh, ai nhanh thì mạnh nhất. Tuy nhiên, có trường hợp cạnh tranh khiến cả 2 cùng tiến lên phía trước. Bởi khi có áp lực, cạnh tranh thì mỗi người tự tạo ra được thước đo để cùng tiến bước.
Về mặt tiêu cực, "áp lực đồng trang lứa" xảy ra khi đạt đến mức quá cao. Điều này dẫn tới mọi người ganh đua, bất chấp thủ đoạn để dành chiến thắng. Tiêu cực lúc nào cũng tồn tại, tuy nhiên tùy thuộc vào quan điểm, cách nhìn nhận mỗi người. Cách để vượt qua là mỗi người cần tìm ra con đường riêng, thế mạnh riêng.
Thành Đạt đồng quan điểm với Nam. Đạt bày tỏ, "áp lực đồng trang lứa" mang đến động lực, giúp chúng ta học tập, làm việc chăm chỉ hơn và nhìn các bạn tài giỏi như một hình mẫu. Các bạn đồng trang lứa có thể giỏi hơn mình ở một lĩnh vực và mình sẽ giỏi hơn họ ở lĩnh vực khác. Và đặc biệt, các bạn đồng trang lứa sẽ là nguồn cảm hứng giúp chúng ta tích cực trong suy nghĩ, hành động.
Về mặt áp lực, "áp lực đồng trang lứa" có thể khiến chúng ta mệt mỏi khi cứ so sánh bản thân với người khác. Đồng thời, khiến chúng ta có thể đánh mất sự tự tin, đây là điều vô cùng tồi tệ. Hiện tại, có nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng "overthinking" (suy nghĩ quá nhiều). Vì vậy chúng ta nên kiểm soát được "áp lực đồng trang lứa", thay vì khiến nó tiêu cực.
Sếp Ngọc Lan đặt câu hỏi cho Nam: "Liệu điều đó có khiến bản thân thỏa mãn và làm cản trở việc sửa đổi con người để tiến lên mục tiêu cao hơn?".
"Không có gì là tuyệt đối, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Em nêu ra khuyết điểm chứng tỏ em là người chân thật và đang yếu kém ở đâu. Nhưng em nghĩ điều này không phải là cản trở bởi khi em trao được sự tử tế, sự chân thật.
Gia đình em có hoàn cảnh đặc biệt. Giai đoạn 2020 – 2021, công ty gia đình phá sản, em như chiếc USB rỗng, chưa có dữ liệu. Tuy nhiên, em thấy trong biến cố, em thấy tia sáng nơi cuối con đường, trở nên có động lực hơn", ứng viên đến từ Hà Nội cho biết.
Sếp Vũ Linh đưa ra câu hỏi hóc búa: "Áp lực đồng trang lứa luôn hiện hữu, vậy đâu là cách biến áp lực thành động lực?"
Theo Hải Nam, "áp lực đồng trang lứa" luôn tồn tại ở cách mỗi người nhìn nhận bản thân. Nam sinh sẽ nhìn vào cái được và cái mất. Nam tự hào về cái mất và thấy vui về cái được.
Nhờ câu trả lời đĩnh đạc đã giúp Hải Nam được 3/5 Sếp chọn lựa, tiếp tục đi tiếp vào vòng 2.
Bị các Sếp 'xoay vần' vẫn bình tĩnh đối đáp
Mở đầu vòng 2, Sếp Ngọc Lan muốn biết đâu là phẩm chất quyết định thành công của BA (Chuyên viên phân tích nghiệp vụ)?
Nam ứng viên cho rằng đó là tư duy. Người làm BA giống như kỹ sư xây dựng vậy, họ phải có tầm nhìn từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, qua các ma trận để xác nhận điều cốt lõi và cách giải quyết với khách hàng.
Nếu coi những người làm "coder" (lập trình viên) là người xây dựng chất lượng cao thì BA là kiến trúc sư vẽ lên các bản vẽ để coder làm theo. Vai trò của Nam là trung hòa giữa "stackholder" (các bên liên quan có quan hệ mật thiết với doanh nghiệp) với đội nhóm bên mình để đảm bảo không bị "miss" thông tin, giúp dự án trở nên minh bạch, rõ ràng. BA phải có vai trò xuyên suốt cả quá trình nên rất quan trọng.
Sếp Trung Hiếu băn khoăn: "Đối với em, việc phân tích dữ liệu sẽ cần trong giai đoạn nào của doanh nghiệp?".
Chàng sinh viên trả lời đầy thuyết phục: "Với tệp khách hàng, phân tích dữ liệu sẽ phải thực hiện sau quá trình doanh nghiệp thu thập và "launching" (ra mắt), bán sản phẩm. Lúc đó, chúng ta mới có thể phân tích để tối ưu hóa kênh bán hàng và các sản phẩm khác".
"Anh thấy, việc phân tích dữ liệu cần trong mọi giai đoạn của doanh nghiệp, ngay từ khi thiết kế sản phẩm", Sếp Hiếu phản biện.
Hải Nam không hề hồi hộp, bình tĩnh đối đáp: "Trước khi 'launching' dự án, Sếp lấy dữ liệu ở đâu để phân tích? Nếu lấy dữ liệu là phân tích nhu cầu người dùng thì dữ liệu đó có là thật, nhu cầu sản phẩm mới có thật sự cần nghiên cứu? Bản thân em thấy, việc nghiên cứu trước rất rủi ro, còn nghiên cứu tối ưu là ở giai đoạn sau – khi đã có tệp khách hàng nhất định".
Sếp Hiếu cho rằng, thay vì nghiên cứu sau, mình hoàn toàn có thể xử lý dữ liệu từ "market size" (quy mô thị trường), từ xu hướng hay tệp khách hàng mục tiêu thông qua khảo sát và đưa ra các con số. Nhưng Nam nghĩ đó là chiến lược với doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ sẽ không có dữ liệu để nghiên cứu và không phải dữ liệu lúc nào cũng miễn phí.
Sếp Vũ Linh cũng có câu hỏi dành cho ứng viên: "Tôi thấy được sự máu lửa và nhiệt huyết. Nếu tôi 'offer' bạn với mức lương của người mới ra trường nhưng bù lại, bạn có thể tham gia vào dự án phát triển BA cho một doanh nghiệp bán lẻ ngành Thời trang và bạn sẽ được 'mentor' liên tục và phát triển cùng dự án. Bạn nghĩ thế nào?".
"Mức lương khởi điểm không quan trọng. Điểm đầu không quan trọng, quan trọng là hành trình và điểm cuối cùng. Câu chuyện lương thấp mới đầu là rất bình thường", Nam nói.
Cuối cùng, cả 5 đèn xanh đều được bật sáng trong niềm hạnh phúc vỡ òa của Hải Nam. Đặc biệt, Sếp Trung Hiếu còn 'thả thính' nam sinh cực mạnh: "Mặt trời mọc hướng đông là chân lý, hôm nay gặp anh là chân ái".
Mức lương kỳ vọng của Hải Nam: 12.000.000 VNĐ. Tuy nhiên, chỉ có Sếp Hoàng Nam Tiến và Sếp Vũ Anh đưa ra mức lương cao hơn kỳ vọng của Nam. Cụ thể, Sếp Hoàng Nam Tiến là: 12.345.678 VNĐ – Vị trí In App Marketing, còn Sếp Vũ Anh: 12.000.000 VNĐ – Vị trí Business Analyst Trình duyệt và Sản phẩm nội dung.
Nhận thấy bản thân phù hợp với doanh nghiệp của Sếp Hoàng Nam Tiến hơn nên Hải Nam quyết định về với đội của vị Sếp dóm dỉnh, hài hước này.
Bình luận tiêu biểu (0)