Ngày 12/7, Bộ Quốc phòng Nhật kỷ đã luật 218 thành viên Lực lượng Phòng vệ và các quan chức quốc phòng cấp cao liên quan hàng loạt bê bối, bao gồm xử lý sai thông tin mật, cũng như các cáo buộc lạm quyền, theo hãng thông tấn Kyodo News.
Trong số đó, 11 người bị sa thải, 2 người bị giáng chức, 83 người bị đình chỉ công tác, 14 người bị cắt giảm lương và 7 người bị khiển trách. Những người còn lại bị nhắc nhở hoặc cảnh cáo.
Các thành viên thủy thủ đoàn trên một số tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật bị cáo buộc đã cho phép một số đồng nghiệp không đủ tiêu chuẩn tiếp cận và xử lý các tài liệu mật.
Việc xử lý thông tin cẩu thả tương tự cũng được phát hiện tại các lực lượng phòng vệ trên bộ và trên không, cũng như Văn phòng Tham mưu liên quân Nhật.
Trong khi đó, một số thành viên Lực lượng Phòng vệ biển Nhật bị nghi ngờ thu tiền trợ cấp cho việc huấn luyện lặn và các nhiệm vụ mà họ không tham gia, với tổng số tiền có thể lên tới khoảng 43 triệu yen (270.000 USD).
Ngoài ra, hơn 20 thành viên và quan chức Lực lượng Phòng vệ biển Nhật bị kỷ luật vì không trả tiền ăn tại căn cứ.
Theo Kyodo News, vì các vụ bê bối phần lớn xảy ra tại Lực lượng Phòng vệ biển Nhật nên Đô đốc Ryo Sakai - người đứng đầu cơ quan này - thông báo sẽ từ chức vào ngày 19/7 để chịu trách nhiệm.
Sau vụ việc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara đã lên tiếng xin lỗi. Ông nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, đồng thời cho rằng các hành vi sai phạm trên đã làm suy giảm đáng kể niềm tin của công chúng đối với Bộ Quốc phòng và các lực lượng phòng vệ.
Theo ông, nguyên nhân là do tình trạng thiếu kỷ cương trong quân ngũ. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin tình báo trong hợp tác giữa Nhật Bản với các đồng minh và các quốc gia cùng chí hướng. Ông cam kết sẽ thực hiện nhanh chóng và triệt để các biện pháp phòng ngừa để giữ vững lòng tin của các nước đối tác.
Trước đó, hồi tháng 4 năm nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo xử phạt 5 sỹ quan cấp cao, trong đó có một thuyền trưởng tàu khu trục, vì đã để một nhân viên không được cấp phép đầy đủ xử lý thông tin về vị trí tàu của các nước khác.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara cho biết tài liệu không bị rò rỉ ra bên ngoài nhưng chính phủ đánh giá những sự cố như vậy là "vô cùng nghiêm trọng".
Nhật Bản đang tăng gần gấp đôi chi tiêu quân sự trong khoảng thời gian năm năm và đã tăng cường hợp tác với Mỹ trong việc chuẩn bị cho các cuộc xung đột khu vực có thể xảy ra. Đồng thời, Nhật Bản phải đối mặt với các vấn đề như khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự và các quan chức Mỹ cho biết họ lo ngại về khả năng phòng thủ mạng của Tokyo.
Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã bị tấn công mạng vào năm ngoái. JAXA cho biết trong tháng này rằng tin tặc đã truy cập thông tin về công việc của cơ quan với các tổ chức khác và có thể đã đánh cắp thông tin cá nhân của nhân viên. Nhưng JAXA cho đến nay vẫn không xác định được tin tặc.
Bình luận tiêu biểu (0)