“Nếu được khoe, tôi sẽ khoe xe cứu thương”
"Thiên thần áo cam", cái tên gọi đầy trìu mến mà người dân dành cho các thành viên của Đội Hỗ trợ Sơ cứu FAS Angel. Gần 5 năm hoạt động không ngừng nghỉ, những người mặc áo cam đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong các vụ cháy lớn nhỏ, hay tai nạn trên đường phố Hà Nội.
Đời sống và Pháp luật có dịp gặp anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng FAS Angel tại một ngôi nhà nhỏ 3 tầng ở phố Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Đây không chỉ là trụ sở của Đội FAS. Dưới tầng một được bố trí là nơi sửa chữa xe máy, doanh thu từ sửa xe được cho vào quỹ để duy trì đội.
Tầng 2 chỉ rộng chừng chừng 20m2 là nơi làm việc của đội với những bức tường treo đầy những bằng khen, huân chương mà lãnh đạo các cấp đã trao tặng cho toàn đội, cùng với đó là những bảng phân chia lịch trực.
Anh Việt chia sẻ, ngày 18/9/2024 là kỷ niệm 5 năm thành lập Đội FAS Angel. "Đây là một dấu mốc quan trọng khi chúng tôi đã cứu giúp được 19.000 nạn nhân, tất cả có danh sách cụ thể", anh Việt tự hào nói.
Anh Việt cho hay, bản thân là người thành lập đội từ năm 2019. Từ vài hội viên khi thành lập, đến nay đội đã có hơn 100 thành viên, trong đó có 40 thành viên chính thức, thường xuyên có mặt tại các “điểm nóng”. Họ chủ yếu là những lái xe ôm, thường xuyên rong ruổi trên đường nên dễ dàng tiếp cận và phát hiện những vụ việc.
Những thành viên của đội tham gia vào rất nhiều công việc như dập lửa, cứu người, sơ cứu, đưa người bị thương đi cấp cứu và hỗ trợ lực lượng cứu hoả, y tế tại hiện trường. Chỉ cần nhận được tin báo, họ sẵn sàng chạy đến điểm nóng bất kể mưa nắng. Đặc biệt, một trong những quy tắc, tôn chỉ “bất di bất dịch” mà toàn đội phải tuân thủ đó là “không nhận tiền”, tức việc làm hoàn toàn miễn phí.
Anh Việt tâm sự, mỗi một người cứu giúp đó là một niềm hạnh phúc lớn đối với anh và các thành viên. Việc cứu giúp người đang gặp nạn cũng đã đem lại cảm giác an ủi, ấm áp cho họ.
"Tôi không có xe sang, nhà đẹp, nhưng nếu được khoe, tôi sẽ khoe mình có 4 chiếc xe cứu thương, 1 căn nhà đang thuê làm trụ sở và có những túi cứu thương để kịp thời giúp đỡ những người gặp nạn", anh Việt khẽ cười và nói.
Nguyên tắc "5 không"
Nói về hành trình lập Đội FAS Angel, anh Phạm Quốc Việt chia sẻ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Sư đoàn 395 (Quân khu 3), anh xuất ngũ và lên Tuyên Quang làm nhiều nghề tự do.
Vào một buổi tối cuối năm 2016, khi đang trên đường đi làm về, anh bị tai nạn giao thông. Anh đã trải qua những giây phút thập tử nhất sinh mà không nhận được sự giúp đỡ, một số người phát hiện nhưng cũng bỏ đi vì sợ liên luỵ.
"Thời tiết mưa lại tối muộn nên đường vắng người qua lại. Tôi đau đớn nằm bên đường mà không ai dừng lại. Tôi trách họ sao có thể thờ ơ như thế, tôi nhắm mắt lại, toàn thân không thể cử động. Khoảng thời gian đó rất dài", anh Việt nhớ lại.
Trong cơn tuyệt vọng, anh Việt cố gắng giơ tay lên cầu cứu. May mắn, sau chừng 15 phút cũng có người đến giúp và đưa anh đi cấp cứu kịp thời. Từ đó, anh Việt hiểu rằng, không phải tất cả mọi người đều thờ ơ hay e ngại khi thấy người khác gặp nạn. Vẫn có những tấm lòng nhân ái sẵn sàng giúp đỡ người khác khi cần thiết. Điều đó đã trở thành một động lực để anh lập ra đội cứu hộ.
"Kể từ khoảnh khắc đó, nếu như tôi có cơ hội, nhất định tôi sẽ không bỏ rơi ai cả. Đó là lời hứa tôi đã đặt ra với chính bản thân mình và cho những thành viên trong đội làm theo”, anh tâm sự.
Giải thích về cái tên FAS Angel, anh đội trưởng cho hay, FAS là từ viết tắt First Aid Support, nghĩa là hỗ trợ sơ cứu ban đầu. Còn “Angel” để mọi người liên tưởng đến những thiên thần bảo vệ, ở bên những người không may gặp nạn.
Đội đã thiết lập nguyên tắc "5 không" cho hoạt động của mình, đó là: Không bỏ rơi, Không thu phí, Không phân biệt, Không tranh cãi và Không kết án.
Chia sẻ cụ thể về 5 nguyên tắc trên, anh Việt cho biết, "không bỏ rơi" là khi chứng kiến một ai đó gặp nạn, phản ứng tự nhiên của mỗi người là lập tức đến giúp đỡ, thay vì phớt lờ và bỏ mặc. Đây chính là hành động đầu tiên thể hiện tinh thần tương thân tương ái của Đội.
Tiếp đến là "không thu phí", các thành viên FAS Angel không được phép nhận tiền cảm ơn từ người hoặc gia đình nạn nhân. “Sự sống của con người là vô giá, không thể đem ra mặc cả hay lợi dụng. Vì thế, đội sẵn sàng giúp đỡ người gặp nạn mà không hề đòi hỏi bất kỳ khoản thu phí nào bao gồm cả lời cảm ơn”, anh Việt cho hay.
"Không tranh cãi” với người ở hiện trường cũng là một trong những thách thức không nhỏ. Trong hoàn cảnh khẩn cấp, mọi người đều hoang mang, lo lắng, nhiều trường hợp dễ dẫn đến xung đột, tranh cãi. Tuy nhiên, các thành viên FAS Angel luôn phải giữ bình tĩnh, lắng nghe và hợp tác chặt chẽ với mọi người để đưa ra những hành động kịp thời, hiệu quả nhất.
"Không phân biệt" đó là không phân biệt già trẻ, nghèo, giàu. Các thành viên FAS Angel luôn đối xử bình đẳng với tất cả. Chỉ cần là người gặp nạn sẽ đều được giúp đỡ kịp thời.
Cuối cùng nguyên tắc "Không kết án”. Theo anh Việt đây cũng là quy tắc khó, vì trong xã hội ngày nay, con người thường "kết án" lẫn nhau. Trước một sự việc thường bày tỏ quan điểm cá nhân và chỉ trích, xúc phạm người khác.
Các thành viên FAS Angel luôn tôn trọng mọi người, không phán xét hay lên án bất kỳ ai. Chỉ khi hiểu và thông cảm với nhau, mới có thể xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Và chỉ khi tuân thủ 5 nguyên tắc, các thành viên mới thực sự có thể tập trung cứu người gặp nạn.
Nhắc lại vụ việc không thể nào quên, anh Việt cho biết đó là vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (Hà Nội) vào ngày 12/9/2023.
"Sau thời gian dài cùng lực lượng chức năng giải cứu, và khi 12 người được chúng tôi cứu ra khỏi đám cháy, tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Dù những hình ảnh đau thương và ám ảnh vẫn còn in đậm trong ký ức, nhưng tôi biết rằng tất cả đã nỗ lực hết mình”, anh tâm sự.
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Số đặc biệt (gộp 3 số 211+212+213)
Bình luận tiêu biểu (0)