Loại cá quý chỉ có Hoàng Liên Sơn
Hoàng Liên Sơn là dãy núi được mệnh danh "nóc nhà Đông Dương" luôn là thách thức của bất kỳ ai muốn chinh phục. Tại chốn hoang sơ ấy luôn ẩn chứa những bí mật mà khi khám phá ra bất cứ ai cũng phải trầm trồ, thán phục sự kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên.
Hoàng Liên Sơn là một dãy núi có độ dài khoảng 180km bắt đầu từ Tây Bắc đến Đông Nam, nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, và đến tận phía Tây của Yên Bái. Đây cũng là nơi cư ngụ của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, chỉ có ở đây. Cá đắng chính là một loài cá đặc biệt của dãy núi này. Theo báo Lao Động, ngày xưa có những khe núi chảy qua những trảng bạt ngàn cây hoàng liên nên nước khe, rêu đá cũng có vị đắng và đặc biệt có một loại cá ăn thứ rêu đá, nước khe ấy nên thịt cũng có vị đắng. Kể từ đó, loài cá này được gọi tên là cá đắng.
Trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, có một loài cá vô cùng đặc biệt được gọi là cá đắng. (Ảnh: Báo Bình Phước)
Trong ghi chép của sách đỏ IUCN năm 2012, cá đắng là một chi cá trong họ cá bám đá Balitoridae thuộc bộ cá chép Cypriniformes, đây là chi cá bản địa của vùng phía Đông châu Á. Thứ cá này chỉ sống ở nơi rất cao, rất lạnh, thậm chí băng giá. Loài cá này cực kỳ hiếm, chỉ có ở độ cao trên 2000m, nguồn nước quanh năm giá lạnh, phải có nhiều kinh nghiệm, mới biết được nơi cá đắng trú ẩn. Thông thường chúng trốn ở những đoạn có vụng nước và có nhiều hang ngầm, khe đá, nước chảy mạnh, thi thoảng lại thấy những con cá từ vách đá nhao đầu ra ngoài, rồi bị bắt lại.
Theo An ninh Thủ đô, cá đắng hay còn gọi là cá sâm sinh sống ở suối Sàng Mà Pho, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy chúng ở hai con suối khác là Hoàng Chù Van và Chảng Phàng. Chúng là loài cá bản địa, rất hiếm và được người dân địa phương ví rằng "quý như vàng", "quý như nhân sâm".
Dòng suối Sàng Mà Pho, nơi loài cá đắng sinh sống. (Ảnh: Báo An ninh Thủ đô)
Cá đắng có kích thước nhỏ như ngón tay hoặc to hơn một chút. Lưng cá màu đen bóng, bụng màu trắng, vây xen lẫn sọc đỏ, khá giống với cá bống.
Báo Điện tử VTC News đã miêu tả về cá đắng rằng chúng bám vào đá để ăn rong rêu ở những con suối chảy mạnh, rất lạnh, nên gọi là cá bám đá. Khi nước cạn, chảy nhẹ, thì cá bám đá chui ra khỏi hốc đá, dính vào lưới, nhưng không thấy con cá đắng, còn gọi là "cá sâm" nào. Giống cá đắng khôn ranh, không bao giờ chui ra khỏi hốc đá. Cả đời nó chỉ chui trong hốc đá tối tăm, không bao giờ chịu ló đầu ra.
Cá đắng là loài cá bản địa, rất hiếm và được người dân địa phương ví rằng "quý như vàng", "quý như nhân sâm". (Ảnh: Báo An ninh Thủ đô)
Đối với người bản địa, cá đắng là một trong những món ăn đặc sản mang hương vị khó quên. Cá đắng có hình dạng của một con cá chiên thu nhỏ. Những con cá bằng ngón tay, thân đỏ lẫn đen, bụng trắng hếu. Khi bắt thì dùng dao cứa bụng, moi ra phần ruột cá bám đá, kẹp vào thanh luồng nướng, cá đắng thì không cần lấy ruột, cứ kẹp cá hoặc xiên vào thanh tre nhọn nướng luôn. Thịt cá mà đắng có vị lạ, một con cá, to bằng ngón tay nho nhỏ, như món cá bớp.
Khi ăn, vị đắng của con cá tan nhanh trong miệng, chỉ vài giây sau, là vị ngọt cuống quýt nơi đầu lưỡi, lan xuống cuống họng, là thứ mùi vị của sâm quý, chứ không phải của cá. Cắn miếng cá thấy vị đắng thanh mát của thịt, nhưng rồi vị ngọt nhanh chóng tan vào tuyến nước bọt, lưu luyến mãi nơi cuống họng. Người dân bản địa nơi này cho rằng, ai may mắn lắm mới được thưởng thức món cá độc nhất vô nhị ở đất Tây Bắc này.
Loài cá chỉ có thể bị bắt bằng cách "chuốc say"
Trong hành trình đi săn lùng loài cá đắng ở Hoàng Liên Sơn, báo An ninh Thủ đô dẫn lời của người dân bản địa cho hay: "Phải có nhiều kinh nghiệm, mới biết được nơi cá đắng trú ẩn. Thông thường chúng trốn ở những đoạn có vụng nước và có nhiều hang ngầm, khe đá, nước chảy mạnh."
Để bắt được cá đắng, họ phải chia thành 2 nhóm để hành động, trong đó "một nhóm moi móc những viên đá nhỏ để khơi dòng chảy. Nhóm còn lại vần đá đắp thành bờ ở nửa bên kia. Khi bờ đá nhô cao khỏi mặt suối, thì tấm bạt được trải xuống thành bờ đá để cản dòng nước hung dữ. Dòng nước bị chặn, chảy lượn sang phía bên kia. Do đó, nửa bên còn lại của con suối cạn dần và lộ ra những vũng nước."
Cá đắng là loài cá rất khôn ranh và khó bị bắt. (Ảnh: Báo Lao động)
Sau đó, những người dân sẽ dùng đá làm chày đập nát những miếng vỏ cây có màu đỏ như nhuộm máu tiết ra nhựa. Họ trút bột vỏ cây xuống vũng nước, nước nhuốm nhựa cây nhanh chóng lan khắp dòng chảy róc rách của con dòng nước xuôi dòng. Loại nhựa cây này vừa dễ tìm, dễ làm, độc tính không cao nên không mang tính chất tận diệt, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn cá, khi nước trong trở lại cá sẽ hồi tỉnh. Chỉ một lát sau, những con cá đắng bị "chuốc say" nên trôi ra khỏi hang đá, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Cứ như vậy, người dân có thể dễ dàng tóm được những con cá đắng.
Ngoài việc dùng cá đắng làm món ăn, loài cá này còn được ví như "lộc trời", nhân sâm và được xem như vị thuốc đại bổ. Nguyên nhân là bởi cá đắng ở Hoàng Liên Sơn ăn những cây hoàng liên (một loại thuốc quý) của dãy núi này nên thịt của chúng mới có vị đắng và vô cùng tốt cho sức khỏe.
Trong Đông y, cá đắng tính bình, không độc, có tác dụng bổ khí huyết, tráng dương, thanh nhiệt, tiêu khát, chữa nóng trong…
Để bắt được loài cá này, người ta cần dùng một loại nhựa cây có màu đỏ như máu. (Ảnh: Báo VTC News)
Còn trong y học hiện đại, cá đắng cung cấp nhiều loại vitamin giúp đào thải độc tố trong máu, tăng cười sinh lực, bồi bổ sức khỏe. Bên cạnh đó, loài cá này còn cung cấp nhiều canxi giúp xương chắc khỏe.
Theo báo An ninh Thủ đô, hiện tại số lượng loài cá này đang sụt giảm nghiêm trọng do bị săn bắt nhiều và do dòng chảy ở đoạn suối nơi chúng ở bị thay đổi.
Hy vọng rằng trong tương lai, người dân bản địa sẽ có ý thức bảo tồn loài cá đắng Hoàng Liên Sơn để chúng không bị rơi vào bờ vực tuyệt chủng như những loài vật khác.
Bình luận tiêu biểu (0)