Bài viết của một tác giả được đăng tải trên diễn đàn Toutiao (MXH của Trung Quốc) gây chú ý:
Trên MXH, có 1 câu hỏi được đặt ra nhận được sự chú ý của nhiều người: “Sếp bảo bạn mua trà sữa, bạn tiêu hết 547 NDT (khoảng 1,9 triệu đồng), nhưng sếp chỉ chuyển cho bạn 500 NDT (khoảng 1,7 triệu đồng) đồng, thiếu 47 NDT (khoảng 200.000 đồng). Sau đó, sếp nhắn: “Tiền đã chuyển, bạn nhận nhé". Lúc này, bạn nên trả lời thế nào?”.
Mọi người đưa ra những quan điểm khác nhau. Có người đưa ra phương án, trả lời lại một cách khéo léo: “Sếp ơi, anh không mời em à?”. Có người thẳng thắn nói: “Gửi ảnh chụp màn hình thanh toán, nói rõ luôn, không nể sếp”. Có người “kiêu ngạo” trả lời : “Sếp ơi, ly của anh em mời rồi”. Cũng có người cam chịu: “Nhận tiền, không nói gì rồi về nhà tức tối”.
Đó không phải số tiền lớn nhưng cũng không phải bạn phải chịu. Vấn đề khó ở chỗ: Nếu nhắc đến, bạn sẽ bị coi là tính toán quá, không nhắc đến, bạn lại chịu thiệt thòi.
Làm thế nào để xử lý thấu đáo thực sự mới là vấn đề phải suy nghĩ. Có lẽ chúng ta nên căn cứ vào tình huống cụ thể, suy nghĩ một cách tinh tế để ứng xử thông minh.
01.
Nếu sếp biết rõ cần trả 547 NDT (khoảng 1,9 triệu đồng) mà còn để bạn chịu số tiền còn thiếu, điều đó cho thấy người sếp này muốn lợi dụng bạn.
Một người dùng MXH tên Tiểu Dương từng kể về sếp của cô ấy, chị M, luôn thích lợi dụng những việc nhỏ nhặt. Chị M thường mua sắm online, món đồ nào không ưng ý sẽ lập tức trả lại và còn bắt Tiểu Dương đi trả trong giờ làm việc.
Lúc này, Tiểu Dương không chỉ phải dừng công việc của mình để xử lý, mà còn phải tự bỏ tiền túi ra trả chi phí vận chuyển. Trong những tình huống như vậy, Tiểu Dương khó có thể từ chối vì cô mới đến công ty và chị M là sếp trực tiếp của cô. Điều khiến Tiểu Dương khó chịu hơn là chị M không trả lại phí vận chuyển mà cô đã ứng ra.
Một hai lần thì không là vấn đề nhưng nhiều lần như vậy khiến Tiểu Dương hiểu ra rằng chị M không chỉ thích sai vặt nhân viên trẻ mà còn muốn lợi dụng cô.
Dù trong công việc hay cuộc sống, luôn có một số người thích lợi dụng sự “ngại ngùng” của người khác. Những người này thường có tâm lý nghĩ rằng mình sẽ chiếm được chút lợi ích mà không bị phát hiện hoặc người khác sẽ không so đo với họ.
Họ không tự làm việc của mình, tìm đủ lý do để trốn tránh; Họ dựa vào người khác nhưng lại chẳng bao giờ đáp lại. Họ còn tự đắc, cảm thấy mình thông minh trong khi người khác dễ dàng bị họ lợi dụng.
Họ không biết rằng, những người như vậy thường vì lợi ích trước mắt mà không quan tâm đến cục diện lớn, có thể gây ra những chuyện ảnh hưởng xấu đến mình và người khác.
02.
Đừng vì sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ mà từ bỏ nguyên tắc của bản thân. Như đã nhắc đến trường hợp của Tiểu Dương, chị M một lần nữa yêu cầu cô giúp gửi bưu kiện, cô đã nảy ra một ý tưởng.
Cô lấy hóa đơn vận chuyển từ nhân viên chuyển phát, sau đó trực tiếp đến phòng tài chính của công ty. Khi biết rằng chi phí này không thể được công ty thanh toán, cô đến văn phòng của chị M, nói rằng: "Sếp ơi, tài chính không chịu thanh toán phí gửi hàng, chị có thể nói giúp em với tài chính được không?".
Lúc này, chị M nhìn hóa đơn, gương mặt đầy sự ngượng ngùng, thừa nhận: "Thật sự khoản này không thể thanh toán”.
Tiểu Dương tỏ vẻ ngạc nhiên nói: "Em cứ nghĩ là được. Vậy khoản tiền này em nên gặp ai để thanh toán ạ?". Kết quả là, chị M đã chuyển số tiền theo hóa đơn cho Tiểu Dương. Bằng cách này, Tiểu Dương đã lấy lại được số tiền đã ứng trước.
Quan trọng hơn là, từ đó về sau, cô không còn bị chị M coi là "người dễ bắt nạt". Trong nhiều trường hợp, chúng ta không cần phải sợ vì ảnh hưởng đến mối quan hệ mà từ bỏ nguyên tắc của bản thân mình.
Khi bạn cái gì cũng nói tốt, điều gì cũng chấp nhận, đồng ý, mọi người sẽ nghĩ rằng bạn sẽ không tính toán nếu bị đổ trách nhiệm và như vậy bạn dễ trở thành “người hứng chịu sự tức giận” của người khác.
Dù tính cách của bạn có phần mềm yếu, nhưng bạn cũng cần học cách nói thẳng thắn từ đầu, làm rõ những việc nào có thể thương lượng và những việc nào không thể.
Khi cần tính toán, hãy tính toán rõ ràng; khi cần nói thẳng, hãy nói thẳng; và khi cần từ chối, hãy từ chối dứt khoát.
03.
Trường hợp mua trà sữa phía trên, còn có 1 tình huống là sếp thực sự không biết bạn đã trả bao nhiêu tiền. Có thể sếp chỉ ước tính một con số và chuyển cho bạn. Lúc này, bạn nên thẳng thắn và rõ ràng giải thích vấn đề. Tất nhiên, khi nói chuyện, người EQ cao trong trường hợp này sẽ rất khéo lép, chú ý về cách thức, giọng điệu và từ ngữ.
Bạn có thể nói với sếp rằng: “Sếp ơi, trà sữa mà anh bảo em mua, em đã mua đầy đủ và chia cho mọi người rồi. Em có nói với các đồng nghiệp là anh mời, mọi người đều rất vui”. Sau đó, bạn có thể gửi luôn hình ảnh hóa đơn cho sếp, thể hiện mình làm việc có đầu có đuôi.
Hoặc bạn có thể nhắn lại rằng: “Sếp ơi, có lẽ số tiền này hơi lệch một chút, phiền anh kiểm tra lại giúp em nhé ạ”.
Mục đích của việc đi làm, suy cho cùng chỉ có 2 điều, đó là: Kiếm tiền và nâng cao năng lực.
Điều đáng lo nhất là chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt mà khiến mình phiền lòng, bạn càng dành nhiều tâm trí để suy nghĩ về nó, bạn sẽ càng ít có thời gian để phát triển bản thân.
Dành 30 phút than thở, bạn sẽ mất nửa giờ để giải quyết vấn đề. Bỏ qua sự lo nghĩ quá mức, bỏ qua những suy nghĩ không cần thiết, bạn mới có thể tập trung và trở thành một nhân viên xuất sắc trong môi trường làm việc. Mong bạn đừng tự làm tiêu hao năng lượng, luôn là chính mình và tỏa sáng.
Theo Toutiao
Bình luận tiêu biểu (0)