Từ căn hầm bí mật dưới lòng đất hệ thống địa đạo
Địa đạo Long Phước nằm tại xã Long Phước, cách TP.Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 7km về hướng Đông Bắc, được hình thành từ những năm 1948 - 1949 trên cơ sở công dụng của hầm bí mật do người dân đào để tránh những cuộc càn quét, đánh chiếm của kẻ địch.
Theo lịch sử được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi lại, do có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, nằm trên trục lộ giao thông (tỉnh lộ 52 và 23), trục nối đường liên tỉnh Bà Rịa - Long Khánh nên Long Phước luôn là địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa ta với địch trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Từ kinh nghiệm của gia đình ông Năm Hồi (người dân xã Long Phước) đào hầm với chiều dài 300 mét để trú ẩn, cất giấu thóc gạo và tài sản, tránh những cuộc càn quét của địch, sáng kiến đào hầm trú ẩn rồi phát triển thành địa đạo đã được Đảng bộ Long Phước lúc bấy giờ phổ biến và phát động thành phong trào trong toàn xã vào năm 1948.
Đến năm 1949, Chi bộ xã Long Phước đã có Nghị quyết xây dựng địa đạo vừa để bảo toàn lực lượng và có thể đánh trả địch. Thực hiện Nghị quyết của Chi bộ quân và dân Long Phước đã phát triển hệ thống địa đạo ở 5 ấp: Đông, Tây, Nam, Bắc và Phước Hữu.
Các cụm địa đạo được nối với nhau bởi đường xương sống, có hầm bí mật chứa lương thực dự trữ với các công sự chiến đấu. Đường địa đạo xương sống cách mặt đất 2-3m, lòng địa đạo cao 1,5-1,6m, rộng 0,6-0,7m có nhiều cửa ngăn và lỗ thông hơi, đảm bảo đi lại, vận chuyển dễ dàng.
Mỗi khi địch hành quân càn quét, có hiệu báo động là nhân dân rút lui an toàn, du kích và bộ đội dựa vào địa đạo để đánh địch.
Năm 1963, địa đạo được khôi phục và phát triển ở ấp Nam Tây chiều dài 200m, có cấu trúc thêm giao thông hào, ụ chiến đấu, kho lương thực, hầm cứu thương. Địa đạo đã trở thành thế trận vững chắc để lực lượng cách mạng bám trụ kiên cường đánh bại nhiều cuộc tấn công, lấn chiếm của địch.
Qua 27 năm (1948-1975) hình thành và phát triển từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Long Phước là nơi bám trụ đánh địch kiên cường của lực lượng cách mạng, góp phần giữ vững căn cứ hoạt động của khu ủy và các cơ quan Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã.
Dựa vào hệ thống địa đạo liên hoàn cùng với các ụ chiến đấu, quân và dân Long Phước đã sát cánh cùng bộ đội chiến đấu giáng cho địch những đòn tổn thất nặng nề.
Điển hình là trận chiến 44 ngày đêm (từ ngày 5/3-11/4/1963) chống địch càn quét vào Long Phước. Du kích xã và bộ đội địa phương đã gây cho địch nhiều thiệt hại, loại khỏi vòng chiến đấu 243 tên, phá hủy 12 xe M113.
Từ ngày 19 đến 25/3/1966, liên quân Mỹ - Úc và ngụy quân Sài Gòn có xe tăng, pháo binh, Máy bay yểm trợ đánh vào Long Phước nhằm phá hủy hệ thống địa đạo, tiêu diệt lực lượng Cách mạng ta, nhưng chúng đã thất bại trước sự chiến đấu kiên cường của lực lượng tỉnh, huyện và quân dân Long Phước.
Di tích lịch sử cấp quốc gia
Địa đạo Long Phước được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 34/VH.QĐ ngày 9/1/1990 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Từ tháng 2/1992, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định khởi công khôi phục và tôn tạo khu di tích địa đạo Long Phước, với giai đoạn đầu là cụm địa đạo phía Bắc. Cùng đó, là xây phòng trưng bày lưu niệm di tích để giáo dục truyền thống cách mạng, nơi tham quan của người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Trong trận đánh này, quân địch chết và bị thương 800 tên, 6 xe quân sự bị phá hủy, vùng giải phóng của ta được giữ vững và mở rộng.
Tháng 2/1974, nhờ khôi phục lại địa đạo, bố trí thành trận địa nên lực lượng ta tuy ít nhưng vẫn liên tục đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng dù chúng đông hơn cả về trang bị vũ khí, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tháng 4/1975.
Trải qua bao mưa bom, bão đạn hủy diệt của quân thù, địa đạo và quân dân Long Phước vẫn đứng vững kiên cường, xứng danh vùng đất một thời đạn bom vẫn được xem như “núm sữa” quan trọng nuôi dưỡng phong trào cách mạng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài nước tham quan mỗi năm
Trao đổi với PV, ông Võ Thành Đức, cán bộ Trung tâm Văn hóa Thông tin TP.Bà Rịa, người hơn 10 năm thuyết minh cho du khách tại địa đạo Long Phước cho biết, hiện nay địa đạo Long Phước đã được chính quyền địa phương cho trùng tu, tôn tạo lần thứ ba với diện tích mở rộng khoảng 5,5ha, có phòng trưng bày truyền thống đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử Cách mạng.
Đoạn địa đạo tại khu vực ấp Bắc nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt đã được tôn tạo nguyên gốc, có lối vào rộng khoảng 0,8 - 1 mét, cao khoảng 1,6 - 1,8m có ngách lỗ thông hơi, giao thông hào, kho lương thực, phòng cứu thương…. Du khách có thể trực tiếp trải nghiệm cảm giác di chuyển trong lòng địa đạo để thấy hết được sự mưu trí, anh dũng cũng như những khó khăn gian khổ của các chiến sĩ trong thời chiến.
Bình luận tiêu biểu (0)