Thói quen phổ biến khi nấu nướng “châm ngòi” cho bệnh mỡ máu
Chiên thực phẩm ngập trong dầu là một cách chế biến thức ăn hấp dẫn với nhiều người ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Các món ăn chiên rán chẳng hạn như cá tẩm bột chiên giòn, khoai tây chiên, gà rán, phô mai que,... thường được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng ăn quá nhiều loại thực phẩm này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe.
Các thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ thường chứa nhiều calo và chất béo chuyển hóa. Ăn quá nhiều chất béo chuyển hóa có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu (mỡ máu), tăng lượng cholesterol “xấu” LDL và ức chế cholesterol HDL có lợi cho sức khỏe.
Thường xuyên ăn các đồ chiên rán ngập dầu cũng có thể làm tăng hàm lượng cholesterol và triacylglycerol trong máu, có thể làm tăng độ dày và độ cứng của niêm mạc mạch máu, từ đó hình thành các mảng xơ vữa động mạch, gây hẹp động mạch và tắc nghẽn mạch máu.
Một nghiên cứu trên tạp chí Heart chỉ ra rằng những người ăn nhiều đồ chiên rán mỗi tuần có nguy cơ mắc các biến cố tim mạch cao hơn 28%, nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn 22% và nguy cơ suy tim cao hơn 37%.
Nghiên cứu cho thấy, chỉ với việc ăn thêm một khẩu phần ăn đồ chiên rán (114 gam) cũng có thể làm tăng 3% nguy cơ đau tim và đột quỵ, tăng 2% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tăng 12% nguy cơ suy tim.
Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng chất béo chuyển hóa có thể gây viêm nhiễm trong cơ thể. Ngoài ra, đồ chiên rán thường được nấu trong dầu ở nhiệt độ cao, quá trình này có thể sản sinh ra các hợp chất có hại cho cơ thể như sản phẩm glycat hóa bền vững (advanced glycation end products) có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm mạn tính. Tình trạng viêm mạn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý chẳng hạn như bệnh tim mạch, tiểu đường và đột quỵ.
Ảnh minh họa.
Để duy trì sức khỏe tim mạch, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị lượng chất béo bão hòa tiêu thụ hàng ngày không nên vượt quá 5-6% tổng lượng calo nạp vào cơ thể. Ví dụ: Đối với chế độ ăn chứa 2.000 calo, lượng chất béo chỉ dừng lại ở mức 120 calo.
Ngoài ra, mọi người cũng có thể thay đổi một vài điều trong chế độ ăn uống để cắt giảm lượng chất béo 'xấu' nạp vào cơ thể và góp phần giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Cách cắt giảm lượng chất béo ‘xấu’, bảo vệ tim mạch
1. Thay đổi phương pháp chế biến món ăn
Để giảm bớt chất béo có hại trong chế độ ăn, mọi người có thể thay đổi phương pháp chế biến món ăn, chuyển từ chiên, rán ngập dầu sang các phương pháp chế biến ít dầu hơn chẳng hạn như hấp, luộc, hầm, om, trộn,... Điều này có thể giúp giảm lượng chất béo nạp vào cơ thể hiệu quả, từ đó phòng ngừa bệnh mỡ máu, tắc nghẽn mạch máu và đau tim, đột quỵ.
Ảnh minh họa.
2. Tăng cường ăn trái cây và rau củ quả thay vì món chiên rán
Ăn nhiều trái cây và rau củ hàng ngày mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch.
Bác sĩ tim mạch Kaustubh Dabhadkar, Ấn Độ chia sẻ trên trang Eatthis: “Chế độ ăn nhiều trái cây và rau củ có thể cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cho cơ thể”.
Ngoài ra, chất xơ trong các loại rau củ quả giúp giảm lượng cholesterol trong máu một cách hiệu quả, từ đó giúp phòng ngừa tăng mỡ máu và bệnh tim mạch. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người có chế độ ăn nhiều rau và trái cây cũng ít có nguy cơ mắc bệnh tim hơn.
Do đó, chuyên gia khuyến khích mọi người nên ăn nhiều trái cây và rau củ để chăm sóc trái tim thông qua chế độ ăn uống.
3. Ăn cá 2 lần/tuần
Các loại cá chứa nhiều chất béo không bão hòa như omega-3 và đem lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau.
Chuyên gia dinh dưỡng Eliza Glynn cho biết: “Omega 3 giúp duy trì huyết áp khỏe mạnh, cải thiện mức cholesterol, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, giảm viêm nhiễm và phòng ngừa nguy cơ đột quỵ”.
Trong một nghiên cứu lớn kéo dài 25 năm ở người trưởng thành, những người ăn nhiều cá ít có khả năng mắc hội chứng chuyển hóa hơn (gồm tăng huyết áp, tăng đường dư thừa mỡ và rối loạn lipid máu) - một trong những yếu tố gây ra bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng những người ăn cá ngừ hoặc các loại cá nướng khác ít nhất 1 lần/tuần có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 27%.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý mọi người nên nấu cá bằng cách hấp hoặc hầm vì cá chiên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Dịch vụ y tế quốc gia (NHS), Anh khuyến nghị nên ăn 1 phần cá mỗi tuần như một phần của chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
Ảnh minh họa.
4. Ăn thêm ngũ cốc nguyên hạt
Ăn ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế là một trong những thói quen tốt để chăm sóc sức khỏe tim mạch. Bác sĩ Dabhadkar cho biết: “Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp chất xơ, chứa các vitamin B và E, magie và selen, có thể giúp giảm mức cholesterol ‘xấu’ và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch”.
Ví dụ, yến mạch chứa beta-glucan, một loại chất xơ hòa tan giúp giảm cholesterol. Ăn yến mạch mỗi ngày có thể giảm 5% cholesterol toàn phần và giảm 7% cholesterol LDL “xấu”.
Một đánh giá dựa trên 45 nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ăn 3 phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ thấp hơn 20%. Ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, hợp chất thực vật và chất xơ cần thiết cho cơ thể.
Bình luận tiêu biểu (0)