Người phụ nữ chuẩn bị di chúc trước khi lên bàn mổ
Báo Dân Trí dẫn thông tin từ PGS.TS Phạm Thị Việt Dung - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa thực hiện ca mổ thu gọn tuyến vú phì đại cho nữ bệnh nhân T.T.T.T. (hơn 50 tuổi, ở Hà Nội).
Ở tuổi ngũ tuần, nữ bệnh nhân quyết định vào viện phẫu thuật, dù chị luôn ám ảnh với mổ xẻ do cơ địa phản vệ với thuốc gây mê. Chị T. chia sẻ, hơn 20 năm mang bộ ngực "khủng", đôi gò bồng kéo gù cả vai và lưng, luôn bị bạn bè, đồng nghiệp bông đùa, chị quyết định "giải thoát" khỏi bộ ngực này.
Chị T. cho biết, ngay từ thời còn trẻ, chị đã sở hữu bộ ngực to hơn so với các bạn cùng trang lứa. Sau khi lập gia đình, sinh bé thứ 2 thì ngực càng phát triển lớn hơn gấp 2-3 so với ban đầu, khiến chị khó khăn trong sinh hoạt, mặc đồ bất tiện, mùa hè nóng bức, khó thở.
Chị cũng nghĩ mình có bất thường ở ngực, sau chị tự tìm hiểu biết mình bị phì đại tuyến vú nhưng không dám nghĩ đến chuyện đi cắt. Tuy nhiên, sức nặng của bộ ngực ngày càng khiến chị ngột thở, khó chịu, gù vai, lưng... chị bắt đầu ao ước được phẫu thuật cắt bỏ một phần ngực.
Năm 2021, trong một lần đi viện, chị bị sốc phản vệ với thuốc gây mê, dị ứng với thuốc gây tê khi tiểu phẫu, cộng thêm bệnh trạng rối loạn lo âu, mất ngủ nên dù vẫn khát khao cắt bỏ một phần ngực, chị vẫn chưa dám thực hiện.
Tình trạng đau vai gáy của chị ngày càng trầm trọng vì ngực "khủng" nên cuối cùng, chị quyết định đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám.
"Khi được tư vấn và quyết định đặt lịch mổ, tôi "đặt cược số phận, giao phó mạng sống" cho các bác sĩ. Thậm chí trước khi đi mổ, tôi đã chuẩn bị cả di chúc dặn dò chồng con, tâm thế sẵn sàng trước những biến cố xấu có thể xảy ra khi phẫu thuật", chị T. chia sẻ.
PGS.TS Phạm Thị Việt Dung cho biết, ca mổ phì đại tuyến vú của bệnh nhân đã diễn ra an toàn. Các bác sĩ cắt đi quá nửa ngực cho bệnh nhân, tạo hình lại đôi gò bồng đảo phù hợp về kích cỡ cho người bệnh.
Theo khuyến cáo của PGS.TS Phạm Thị Việt Dung, tình trạng phì đại tuyến vú không chỉ khiến người phụ nữ mặc cảm, mà độ nặng của đôi gò bồng đảo còn kéo gù vai, lưng, đau vai gáy, ảnh hưởng đến cột sống.
Ngày nay, với kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, căn bệnh phì đại tuyến vú có thể được phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ dễ dàng, sớm trả lại vẻ đẹp cho người phụ nữ. Chị em khi gặp tình trạng này nên đến cơ sở chuyên khoa uy tín để được tư vấn, phẫu thuật sớm.
Hòa Bình ghi nhận 2 ca nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”
Theo tạp chí Tri Thức, bệnh nhân đầu tiên là ông H.N.T. (43 tuổi, trú huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình), làm công nhân tại một tỉnh phía Nam hơn 10 năm. Cách thời điểm vào viện khoảng hơn một tháng, ông T. có hiện tượng sốt cao liên tục, đã đi khám và điều trị nhưng tình trạng sốt chỉ thuyên giảm, không khỏi hẳn.
Ngày 28/8, gia đình xin cho bệnh nhân thôi điều trị để về quê (tỉnh Hoà Bình). Ngay khi về đến quê nhà, ông T. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong tình trạng sốt cao, rét run, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn - suy đa tạng. Bệnh nhân nhanh chóng được thở máy, lọc máu liên tục, dùng thuốc vận mạch, sử dụng kháng sinh phổ rộng, trong đó có kháng sinh đặc trị bệnh Whitmore.
Kết quả cận lâm sàng cho thấy người bệnh bị viêm - tràn dịch màng phổi 2 bên, áp xe gan, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Hiện tại, ông T. vẫn trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân đang được điều trị, chăm sóc tích cực và hội chẩn nhiều chuyên khoa.
Bệnh nhân thứ 2 là bà B.T.C. (59 tuổi, trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình), tiền sử mắc bệnh đái tháo đường. Cách thời điểm vào viện một tuần, bà có hiện tượng sốt cao, sưng - nóng - đỏ - đau vùng cổ tay bên phải, ho và khó thở tăng dần dẫn đến đau tức ngực.
Bà C. được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu rồi chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Thời điểm vào viện, bệnh nhân đã rơi vào suy hô hấp, phải hỗ trợ thở máy, sốt cao liên tục, rét run, thể trạng nhiễm trùng - nhiễm độc, ho nhiều đờm, có ổ áp xe vùng cổ tay bên phải, tràn dịch màng phổi 2 bên.
Kết quả xét nghiệm máu và dịch phế quản cho thấy bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Sau hơn một tuần điều trị kháng sinh, người bệnh đã qua cơn nguỵ kịch, chức năng phổi, gan, thận đã cải thiện nhiều. Dự kiến, bà C. được cho xuất viện sau khoảng một tuần nữa và tiếp tục điều trị duy trì bằng thuốc uống 3-6 tháng tại nhà.
Bệnh Whitmore hiện chưa có vaccine đặc hiệu. TS.BS Hoàng Công Tình ở khoa Hồi sức tích cực 1 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khuyến cáo mọi người cần trang bị các dụng cụ bảo hộ cá nhân như ủng và găng tay không thấm nước để bảo vệ cơ thể, chống tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm bẩn.
Khi không may có vết thương rách da, trầy xước, mọi người cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc.
Cấp cứu bệnh nhân suy tuần hoàn nặng do lên cơn hen phế quản ác tính
VTV Times đưa tin, bệnh nhân T.T.H. (62 tuổi) bị suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng do lên cơn hen phế quản ác tính vừa được Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) cấp cứu thành công.
Người bệnh có tiền sử hen phế quản, được người nhà đưa vào viện trong tình trạng khó thở nhiều, kích thích vật vã, tím môi đầu chi, tim đập rời rạc, huyết áp tụt, phổi thông khí kém, nồng độ oxy trong máu đo qua da (SpO2) 50-55%.
Tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, người bệnh được chẩn đoán bị suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng do lên cơn hen phế quản ác tính. Ngay lập tức, các bác sĩ nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp cứu: bóp bóng hỗ trợ hô hấp, đặt ống nội khí quản, thở máy, thuốc vận mạch, giãn phế quản, corticoid.
Sau 20 phút cấp cứu, người bệnh da hồng trở lại, mạch huyết áp ổn định hơn, tiếp tục được hồi sức tích cực bằng thở máy, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, giãn phế quản, chống viêm, kháng sinh. Hiện, sau 1 ngày điều trị, người bệnh tỉnh hoàn toàn, cai máy thở, rút ống nội khí quản, chuyển thở oxy.
Theo bác sĩ CKI. Trần Ngọc Lương - Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, hen phế quản là một bệnh lý hô hấp mạn tính, thường gặp ở mọi lứa tuổi. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể suy hô hấp dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do vậy, người có tiền sử hen phế quản cần: luôn mang theo thuốc xịt giãn phế quản trong người để đề phòng cơn hen có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt vào thời gian giao mùa, khi thời tiết trở lạnh.
Bên cạnh đó, cần tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen như: khói thuốc, khói than củi, tránh lạnh bụi ẩm, tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ khác như lông thú nuôi, mạt nhà, phấn hoa, ẩm mốc…
Khám bệnh định kỳ, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ; tập thể dục, thể thao, ăn uống khoa học để nâng cao sức khỏe. Khi xuất hiện cơn khó thở, cơn hen nặng nguy kịch thì cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Bình luận tiêu biểu (0)