Mỹ chỉ mua được 42 chiếc
Trung Quốc vừa tuyên bố phát triển một loại động cơ máy bay không người lái giá rẻ, hiệu quả cao, mở đường cho kế hoạch sản xuất tối ưu chi phí, có thể định hình lại chiến lược của thiết bị này trên toàn cầu.
South China Morning Post (SCMP) dẫn lời nhà khoa học đứng đầu dự án cho biết, thế hệ máy bay không người lái mới có tốc độ cao, hoạt động bền bỉ, chạy bằng động cơ giá rẻ đã được đưa vào phục vụ cho mục đích quân sự ở Trung Quốc.
Tờ báo cho biết bước đột phá về công nghệ sẽ cho phép quân đội Trung Quốc sản xuất hàng loạt động cơ máy bay không người lái hiệu suất vượt trội với giá chưa bằng 1/5 giá quốc tế.
Trong sự kiện thuyết trình về dự án tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nhà vật lý Zhu Junqiang tuyên bố quân đội Trung Quốc đã nhanh chóng phê chuẩn động cơ mới, lý do chủ yếu đến từ việc tiêu thụ nhiên liệu ít hơn gần 1/3 so với động cơ hiện có và chi phí bảo trì rẻ hơn đáng kể do các thành phần cơ khí ít hơn 70%.
SCMP lưu ý rằng khác với UAV dân dụng, máy bay không người lái quân sự chạy bằng động cơ phản lực thường được phân loại là tài sản có giá trị lớn. Chính vì vậy, chúng được dự trữ với số lượng nhỏ trong hầu hết các kho vũ khí quân sự.
Ví dụ, máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk do Northrop Grumman sản xuất được trang bị động cơ phản lực cánh quạt AE3007 do Rolls-Royce cung cấp với giá 4 triệu USD/chiếc.
SCMP cho biết ngay cả Mỹ, quốc gia có ngân sách quân sự lớn hơn tất cả các nước khác cộng lại, hiện chỉ có thể mua được 42 chiếc Global Hawk, trị giá khoảng 130 triệu USD mỗi chiếc.
Giới chuyên gia nhận định, các cuộc xung đột trong tương lai có thể sẽ trở thành cuộc chiến tranh tiêu hao máy bay không người lái, điều đã được thể hiện trong các cuộc xung đột thời gian qua.
Với tỷ lệ tổn thất lớn, việc đưa các máy bay không người lái đắt đỏ ra thị trường được cho là không khả thi.
Lý do máy bay không người lái bị tổn thất nhiều đến từ vấn đề kỹ thuật, trong đó các liên kết dữ liệu dễ bị gây nhiễu. Loại vũ khí này bay ở độ cao thấp và trung bình, khiến chúng dễ bị hệ thống phòng không tầm ngắn tấn công.
Trong các cuộc xung đột gần đây, các bên đều đã sử dụng máy bay không người lái cho các nhiệm vụ ở các khu vực được phòng thủ dày đặc, điều dẫn đến sự cần thiết phải chuyển hướng sang thiết bị chi phí thấp và dùng một lần, vì chi phí bắn hạ những vũ khí này đôi khi vượt quá giá trị của chúng.
Nhận thức được bài học chiến trường này, Mỹ đã khởi xướng các chương trình sản xuất hàng loạt máy bay không người lái phục vụ cuộc chiến tiêu hao công nghệ cao.
Lợi thế khó so bì
Vào tháng 9, Asia Times đưa tin về chương trình Replicator của Mỹ nhằm mục đích trang bị số lượng lớn máy bay không người lái tự động điều khiển bằng AI để ứng phó với khả năng quân sự ngày càng tăng của đối thủ.
Chương trình hướng tới thúc đẩy nhanh chóng việc triển khai các nền tảng tự hành có thể sử dụng được cả trên không, trên bộ và trên biển, với thời gian triển khai linh hoạt từ 18 đến 24 tháng.
Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, mạng lưới và khả năng kết nối mạng lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tự trị, phi tập trung, giúp triển khai đồng bộ hơn với chiến thuật.
Ngoài ra, vào tháng 2/2023, Asia Times đưa tin về dự án "Bầy đàn thích ứng đa miền tự trị" (AMASS) của Mỹ nhằm phát triển các đàn máy bay không người lái tự động có khả năng triển khai từ trên biển, trên không và trên bộ để áp đảo hệ thống phòng không của đối phương.
Dự án nhằm mục đích phát triển khả năng triển khai và chỉ huy hàng nghìn máy bay không người lái tự động, phối hợp cùng nhau để tiêu diệt hệ thống phòng thủ của đối phương, bao gồm hệ thống phòng không, pháo binh, bệ phóng tên lửa và các nền tảng tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).
Tuy nhiên, Mỹ phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc tăng quy mô sản xuất máy bay không người lái chi phí thấp.
Một báo cáo của CNBC vào tháng trước lưu ý rằng vấn đề với việc sản xuất máy bay không người lái cỡ nhỏ ở Mỹ là giá tăng do chi phí vật liệu và nhân công cao hơn ở Trung Quốc.
CNBC lưu ý rằng nhiều công ty máy bay không người lái của phương Tây đã rời khỏi thị trường vào năm 2016 và 2017 do không thể cạnh tranh với Trung Quốc cũng như đưa ra các quyết định kinh doanh sai lầm.
Hơn nữa, việc chế tạo máy bay không người lái với các bộ phận chỉ có nguồn gốc từ Mỹ là rất phức tạp, vì Mỹ không có nhà máy để sản xuất máy bay không người lái quân sự có thể sử dụng được với quy mô lớn như vậy.
Báo cáo cho biết Mỹ cũng không có chuỗi cung ứng an toàn cần thiết để sản xuất các bộ phận nhạy cảm.
Mặt khác, Trung Quốc có điều kiện tốt hơn để tăng cường sản xuất máy bay không người lái giá rẻ. Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu máy bay không người lái quân sự có vũ trang lớn nhất thế giới. Công ty DJI có trụ sở tại Thâm Quyến hiện chiếm 70% thị trường máy bay không người lái dân sự trên thế giới.
Bình luận tiêu biểu (0)