Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hồi cuối tháng 8 cho biết, thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đã có những phát triển đáng ghi nhận với hơn 24.300km quốc lộ, 2.000km đường bộ cao tốc, 6.800km đường thủy nội địa, 2.640 đường sắt quốc gia, 298 bến cảng, 22 cảng hàng không và nhiều công trình quan trọng, quy mô lớn được đầu tư.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông đất nước vẫn đang mất cân đối giữa các dự án, chủ yếu tập trung cho lĩnh vực đường bộ, tiếp đến là hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa.
Trong khi đó, hệ thống đường sắt mặc dù là phương thức có nhiều ưu điểm nhưng chưa được ưu tiên đầu tư, còn lạc hậu; đường sắt đô thị triển khai chậm nên chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn; chưa phát huy tiềm năng của đường thủy nội địa trong các khu vực có lợi thế.
Vì hệ thống đường sắt là phương thức có ưu thế về vận chuyển khối lượng lớn, nhanh, an toàn, thuận tiện, chi phí hợp lý, giảm ô nhiễm môi trường nên sẽ là một trong các ưu tiên đầu tư.
Do đó, Bộ GTVT tập trung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM để giảm ùn tắc giao thông, kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao để hình thành mạng lưới vận chuyển hành khách thuận tiện trong cả nước; đầu tư các tuyến đường sắt mới, điện khí hóa để kết nối cảng biển quan trọng, kết nối cảng hàng không; cải tạo, nâng cấp các tuyền đường sắt hiện có đồng bộ hạ tầng.
Theo tính toán, riêng lĩnh vực đường sắt, tổng mức đầu tư các dự án đến năm 2030 vào khoảng 151,2 tỷ USD (bao gồm cả đường sắt đô thị); đến năm 2050 vào khoảng 312 tỷ USD.
Để có thể triển khai những dự án hạ tầng giao thông nêu trên, Vụ Kế hoạch đầu tư đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm để huy động nguồn lực đầu tư về cơ chế chính sách, huy động nhiều nguồn vốn "rót" vào hạ tầng.
Cụ thể, Bộ GTVT tiếp tục rà soát, sửa đổi hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan, rà soát, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, môi trường đầu tư; xây dựng cơ chế để tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư, tiếp tục rà soát các quy hoạch để định hướng đầu tư; ưu tiên phân bổ vốn ngân sách Nhà nước cho các công trình, dự án giao thông không có khả năng thu hồi vốn hoặc khó có khả năng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế.
Bộ GTVT đẩy mạnh huy động mọi nguồn vốn từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với các ưu đãi đầu tư tối đa; tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế để đầu tư các công trình lớn có sức lan tỏa; khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phù hợp với đặc thù từng chuyên ngành giao thông, có tính cạnh tranh quốc tế.
Song song đó, cơ quan này cũng xây dựng và công bố danh mục các dự án phát triển hạ tầng giao thông đề kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP và đầu tư nước ngoài giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030.
Bình luận tiêu biểu (0)