Bỏ công việc gắn bó 15 năm, khởi nghiệp với xơ mướp
Tốt nghiệp ngành Xây dựng dân dụng và trở thành giảng viên Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Đà Nẵng, chị Võ Thị Ngọc Thư (SN 1984, trú tại quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) bất ngờ quyết định về quê khởi nghiệp sau một lần đi siêu thị. Từ bỏ công việc gắn bó với mình gần 15 năm, chị bắt đầu một công việc mới khi nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ mô hình này. “Trong một lần đi siêu thị, tôi tình cờ nhìn thấy những sản phẩm làm từ xơ mướp với giá rất cao, lại còn được nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, ở địa phương tôi sinh sống thì mọi người chỉ thu hoạch mướp non để ăn hoặc bán, quả già thì lấy hạt làm giống, xơ mướp thường vứt đi, không có giá trị gì”, chị Thư nói.
Thấy vậy, chị Thư liền về nhà, tìm hiểu về xơ mướp và quá trình làm ra các sản phẩm từ xơ mướp. Chị nhận ra xơ mướp dạng sợi rất dai, nhanh khô, không ám mùi, mềm, các sản phẩm từ xơ mướp rất thân thiện với môi trường nên được thị trường trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, đặt mua với giá cao. Tuy nhiên, trên địa bàn nơi chị sinh sống vẫn chưa có cơ sở nào làm các sản phẩm từ xơ mướp.
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ loại quả này, chị Thư quyết định nghỉ việc, dành thời gian nghiên cứu cách làm xơ mướp, kết hợp với bà con nông dân trồng mướp để chủ động nguồn nguyên liệu và tìm thị trường tiêu thụ. “Nghĩ thì đơn giản nhưng bắt tay vào làm gian nan lắm. Không phải giống mướp nào cũng có thể lấy xơ làm thành sản phẩm được. Có xơ mướp rồi để làm nên một sản phẩm cũng không hề đơn giản. Tôi đã mất nửa năm để có thể làm ra sản phẩm đầu tiên và mất cả năm trời mới tối ưu được toàn bộ quy trình làm ra sản phẩm, không biết đã bỏ đi bao nhiêu trái mướp nữa”, chị Thư cho hay.
Vùng nguyên liệu mà chị Thư xây dựng để trồng và chế biến xơ mướp nằm ở vùng ven sông Thu Bồn thuộc huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Nhưng, người dân nơi đây vốn từ bao đời nay vẫn canh tác các loại rau, củ, tuy lợi nhuận không cao nhưng khi được ngỏ lời mời trồng mướp ngọt, bà con cũng e ngại. Chị Thư phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để giải thích cho bà con hiểu và đồng ý trồng giống mướp theo yêu cầu. Để chủ động nguồn nguyên liệu, cơ sở sản xuất của chị Thư sẽ cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu đầu ra với giá ổn định.
Theo chị Thư, trước khi trồng mướp lấy xơ, bà con thường trồng các loại cây rau màu theo mùa, mướp trồng cũng để hái quả non bán, giá cả bấp bênh. Chưa kể, một cân mướp non khoảng 4-5 quả có giá từ 8-10 nghìn đồng/kg, mỗi quả chỉ có giá khoảng 2 nghìn đồng. Tuy nhiên, nếu để mướp già, mỗi quả mướp có thể bán được từ 3-5 nghìn đồng với giá ổn định. Đến nay, đã có khoảng 15 hộ nông dân hợp đồng trồng vùng nguyên liệu cho 2 mùa, cung cấp nguồn xơ mướp ổn định cho sản xuất. Mỗi quả mướp khô thương phẩm được chị Thư thu mua với giá 5.000 đồng - 6.000 đồng/ quả, cao hơn nhiều so với việc bà con trồng mướp bỏ sỉ cho thương lái như trước đây.
Những quả mướp sau khi già và phơi khô tự nhiên khoảng 80% sẽ được thu hoạch và tiến hành sơ chế, lột vỏ, giũ hạt, giặt, cắt, phân loại, ép, may định hình, đóng gói. Dưới bàn tay khéo léo của những người yêu môi trường, những quả mướp khô đã trở thành những sản phẩm hữu ích và thân thiện như: Xà bông tắm, miếng rửa chén, túi đựng xà phòng.... góp phần vào xu hướng sống xanh đang được ưa chuộng hiện nay.
Có sản phẩm, chị Thư lại tiến hành đăng bán trên các sàn thương mại điện tử, tham gia các hội chợ, hội thảo để tiếp cận khách hàng. Dần dần, những đơn đặt hàng gửi về ngày càng nhiều. Từ 0,5ha trồng mướp ban đầu, chị Thư đã liên kết với hàng chục hộ dân tại Quảng Nam và các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk trồng mướp trên tổng diện tích 4,5ha.
Đầu tháng 6/2024, dự án khởi nghiệp từ xơ mướp của chị Võ Thị Ngọc Thư đạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024” do Hội liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê (Đà Nẵng) tổ chức. Tháng 8/2024, ý tưởng khởi nghiệp từ xơ mướp của chị Thư cũng đã đạt giải Nhì Hội thi Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo năm 2024 do Hội liên hiệp Phụ nữ TP. Đà Nẵng tổ chức. Chị Thư cũng đang hoàn thiện hồ sơ để UBND TP.Đà Nẵng công nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Hiện, các sản phẩm của Mộc Xơ cũng được đưa vào các cửa hàng lưu niệm, ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng để giới thiệu đến khách du lịch.
Khi xơ mướp “xuất ngoại”
Đến nay, sau 2 năm khởi nghiệp, chị Thư đã xây dựng nên xưởng sản xuất xơ mướp rộng hơn 200m2 với tổng số vốn đầu tư khoảng 400 triệu đồng, có đầy đủ các loại máy móc như máy cắt, máy dập, máy may, máy viền, máy thêu… Mỗi tháng, xưởng sản xuất của chị có thể tiêu thụ được khoảng 20.000 trái xơ mướp, cung cấp ra thị trường trên 10.000 sản phẩm với hơn 20 loại sản phẩm phục vụ nhà tắm, nhà bếp, thời trang và trang trí nhà cửa từ xơ mướp có giá từ 25 nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng/sản phẩm.
Không chỉ phục vụ trong nước, các sản phẩm từ xơ mướp của chị Thư còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, được khách hàng đón nhận nhiệt tình. “Khi đưa sản phẩm lên sàn Amazon, khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng và đặt mua nhiều. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm từ xơ mướp để đưa một sản phẩm xanh “Made in Việt Nam” đến gần hơn với quốc tế”, chị Thư nhớ lại.
Thông qua sàn thương mại điện tử Amazon, chị Thư xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Hoa Kỳ, Canada, Úc, châu Âu… với số lượng đều đặn khoảng 5.000 sản phẩm/tháng. Bên cạnh đó, nhiều khách mua sỉ cũng thường xuyên đặt hàng số lượng lớn để phân phối tại các cửa hàng, siêu thị ở nước ngoài. “Các sản phẩm từ xơ mướp làm từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng nên rất được người nước ngoài ưa chuộng. Miếng xơ mướp thải bỏ sau khi sử dụng chỉ mất một tháng để phân hủy hoàn toàn, còn là phân bón rất tốt. Xơ mướp dai, bền, nhanh khô, khi ngậm nước rất mềm mại nên không gây xước da… nên có thể ứng dụng để tạo ra rất nhiều sản phẩm phục vụ đời sống”, chị Thư kể.
Hiện tại, cơ sở sản xuất xơ mướp của chị Thư đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức lương trên 6 triệu đồng/người/tháng, trong đó có các chị em phụ nữ ở địa phương, nhận hàng để về may gia công và hoàn thiện tại nhà. Nhờ tích cực tham gia quảng bá tại các hội chợ, triển lãm, sự kiện du lịch và bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop…, các sản phẩm của chị Thư dần có chỗ đứng trên thị trường, đem lại doanh thu khoảng 150 - 200 triệu mỗi tháng, lợi nhuận đạt khoảng 20%.
“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm máy móc để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường vì mỗi sản phẩm xơ mướp được sử dụng sẽ thay thế một sản phẩm nhựa. Việc phát triển các sản phẩm từ xơ mướp cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, tạo công ăn việc làm cho người dân, phát triển kinh tế từ loài cây đã gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam”, chị Thư nhấn mạnh.
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Số đặc biệt (gộp 3 số 211+212+213)
Bình luận tiêu biểu (0)